“Ở quê mà đau ốm, bệnh tật không ai lo thì bố đừng trách chúng con đấy!”. Tôi nhiều lần dọa dẫm ông bố của mình, khi ông nhất mực không chịu bỏ quê lên thành phố sống vui vầy cùng con cháu.
Một sáng nọ, ông bố nằm võng đung đưa giữa vườn cây xanh mướt mát, đôi mắt đầy suy tư. Bên cạnh ông, chiếc nón lá cũ, sút cả quai nằm im lìm kế bên, như một người bạn già trung thành. Khi ấy, tôi lại gần, khẽ lay cái võng của ông, giọng ngọt nhạt: “Ở đây cũng đâu phải quê gốc của mình đâu mà bố mẹ phải tiếc nhớ. Lên thành phố, gần bệnh viện, lỡ có gì, bọn con còn đưa đi kịp. Ở đây vùng sâu, vùng xa heo hắt. Nước xa không cứu được lửa gần bố ạ!”.
Bố tôi ho khù khụ, mắt vẫn lim dim nhìn trời cao lồng lồng, xuyên qua tán cây. Ông đưa tay vuốt ve chiếc nón lá, như đang tìm kiếm sự an ủi từ một người bạn thân thiết. Không thấy ông trả lời, tôi lại tiếp lời: “Hay bố sợ bọn con tẩu tán tài sản của bố nên không yên tâm đi. Bố không cần bán nhà đất đâu. Cứ để nguyên thế này, nếu lên bọn con ở mà không hợp, không thích, bố mẹ cứ về quê lại, có sao đâu?”.
Đến nước này thì bố tôi đành phải lên tiếng. Mặt ông càu cạu, giọng khàn khàn: “Thành phố chúng mày có cái quái gì vui vẻ đâu mà bảo hai thằng già này lên”. Đôi mắt sụp mí của ông nặng nề cố mở ra, khi nhớ lại có một dạo tôi đưa ông lên thành phố khám bệnh.
“Ở đó hàng xóm gì kỳ lạ quá. Tao cả đời chân thật, chưa lấy của ai một cái kim, sợi chỉ đừng nói gì tiền bạc. Sao họ vừa thấy tao là đóng cửa cái ầm như thấy bọn đầu trộm đuôi cướp”. Giọng ông uất nghẹn, khi nhớ có lần, ông khấp khởi đứng trước mấy căn nhà hàng xóm mọc sát nhau. Ông cụ định bụng chào hỏi, bắt chuyện nhưng họ đều lập tức cửa đóng, then cài.
Tôi vội giải thích: “Năm bố lên xui là trúng lúc trong hẻm có một vụ cướp xe. Kẻ gian nửa đêm đột nhập vào nhà, bẻ khóa lấy cắp đến 3 chiếc xe máy nên cả con hẻm ai cũng khiếp sợ, phải cảnh giác những người lạ mặt mới đến”.
Đôi mắt bố tôi nhấp nhem ngó về những chiếc lá xanh đang vờn nhau trong gió. Gương mặt ông cụ giãn ra đôi chút nhưng giọng thì vẫn dứt khoát: “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn. Cứ để bố mẹ sống cuộc đời mà bố mẹ mong muốn. Chúng mày đừng lo. Sống chết có số… ”.
Một chốc tôi quay ra, định cho ông cụ xem những thùng rau xanh mơn mởn, có giàn bầu bí leo trèo trên sân thượng của nhà mình để cố gắng thuyết phục ông rời bỏ mảnh đất quê hương thứ hai của ông một lần nữa nhưng rồi tôi lại dừng ý nghĩ ấy.
Nhìn bố ngủ, lòng tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng. Bao nhiêu năm nay tôi mải mê với cuộc sống thành thị, quên mất rằng bố mẹ tôi, những người đã dành cả cuộc đời gắn bó bên những gốc cây hiền hòa này, dẫu tuổi nào cũng có những ước mơ và hạnh phúc riêng. Có lẽ đã đến lúc tôi nên dành nhiều thời gian hơn để về thăm bố mẹ, để lắng nghe những câu chuyện của họ, để cùng họ tận hưởng những khoảnh khắc bình yên ở quê nhà, thay vì cố nài ép họ tha phương tuổi xế chiều.
Bên hai gốc cây mít, chiếc võng thôi đung đưa, có lẽ bố tôi đã chìm vào giấc ngủ trưa ngon lành, yên ả và dịu êm. Giấc ngủ của một người đã tìm thấy hạnh phúc trong những điều giản dị nhất của cuộc sống.
- Đặt sách giấy tiểu thuyết hay, lôi cuốn, sâu sắc tặng bố mẹ, ông bà tham khảo sách Tiên mắc đọa của tác giả Nguyễn Nga.
- Đặt sách điện tử những truyện ngắn, tiểu thuyết cảm động, ý nghĩa của tác giả Nguyễn Nga tại Google Play.
- Đăng ký thành viên cao cấp để đọc tất cả truyện ngắn, tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Nga trong 2 năm giá chỉ 199.000d, đăng ký qua mail: vietlachvn88@gmail.com