Lời nói đầu: Sau thời gian ấp ủ, Nguyễn Nga đang thực hiện bộ tiểu thuyết về Tình yêu-Gia đình có tựa “Bà già đến từ âm phủ”. Một câu chuyện khá mới lạ, hài hước và xúc động.
Tóm tắt truyện: Chuyện kể về một bà già trong nạn đói năm 1945 đã chạy trốn sự truy sát của đám người ở nhà cụ Lý. Bà lạc vào tương lai năm 2020, hoàn cảnh đưa đẩy sống chung với một cặp nam nữ trẻ tuổi đôi mươi. Nhưng họ lại gặp rất nhiều biến cố bất hạnh trong tuổi thơ và gia đình.
Chap 1–
Chương 1-Những Con Ma Đói
Xóm Bần năm 1945…
Ngoài trời tối đen, gió rít réo từng cơn. Thi thoảng trên mái nhà, tiếng quạ kêu cồn cào ruột gan. Từ ngày nạn đói tràn về, cả xóm làng của bà Lưu chìm trong vắng lặng. Trẻ em chẳng có sức mà khóc. Đến chó cũng đói dài ruột, không còn hơi để sủa.
Trên chiếc giường tre xập xệ, tồi tàn, con Lượm, cháu gái của bà Lưu đang nằm im lìm. Nó cứ nhìn trừng trừng lên mái nhà. Hai hốc mắt nó trũng sâu, hàm răng vẩu chìa ra. Tóc nó chỉ còn loe ngoe vài sợi. Cơn đói đã rút kiệt sức lực của nó. Ở tuổi trăng tròn mà trông nó chẳng khác gì một thây ma. Gương mặt nó không giống đàn ông cũng không ra phụ nữ. Chốc chốc, Lượm lại thều thào một câu: “Đói…đói lắm mẹ ơi!”.
Mẹ nó đã chết đói hôm trước nhưng nó cứ mê rồi tình nên không hay. Lượm vẫn cứ gọi mẹ xin cơm như khi còn là một đứa trẻ.
Bà Lưu đi loanh quanh trong nhà. Bà nhìn chăm chú từng góc kẹt của vách đất ngôi nhà, cố tìm xem có con gián hay thằn lằn nào bò ra không? Bà sẽ vồ lấy mà mang ra nướng cho đứa cháu gái bỏ bụng. Bà hy vọng lưỡi hái tử thần đừng lôi nó đi ngay. Bà mong nó cố cầm cự thêm vài ngày chờ bày xoay xở.
-Khốn nạn! Người còn chết đói thì con gì sống được!
Bà Lưu chửi đổng một câu rồi gục đầu ngồi bệt xuống đất, trong sự tuyệt vọng và bất lực đến cùng cực.
Con Lượm đã thôi không rên rỉ xin ăn. Nhìn từ xa, trông nó như người chết đến thời kỳ bốc mộ.
-Mẹ ơi! Mẹ cứu anh Sửu với mẹ ơi!
Tiếng kêu thảng thốt xen lẫn tiếng khóc lóc van vỉ của người con dâu làm bà Lưu choàng tỉnh khỏi cơn mê man.
-Cái gì thế Lị?
Bà Lưu cất giọng lào khào. Cô con dâu vấp cạnh cửa, ngã nhoài ra đất. Nhiều ngày thiếu ăn khiến cô chẳng còn sức lực để chạy.
-Mẹ ơi! Anh Sửu thắt cổ tự tử. Anh bảo trước sau gì cũng chết đói. Thà chết bây giờ còn có người sống chôn.
-Khốn nạn! Còn nước còn tát, ai dại gì mà đi tự tử! Nó muốn làm ma thắt cổ sao?
-Còn hơn làm ma đói…
Tiếng anh Sửu xiết xẩm từ ngoài ngõ. Anh là con trai cả của bà Lưu. Vừa đi, anh vừa quệt nước mắt ngắn dài trên hai gò má, trơ xương như hai gò mả.
-Nghe bảo mày thắt cổ tự tử? Sao không chết đi cho nhà đỡ miệng ăn?
Bà Lưu tuôn ra lời cay độc. Bà nhìn cậu con trai giờ chỉ còn một nhúm vừa thương, vừa giận.
Anh Sửu thả sợi dây thừng trước mặt, nước mắt tuôn như mưa.
-Khốn khổ thân tôi! Muốn chết cũng không có sức mà cột dây?
Anh đổ gục xuống sân nhà, cứ thế ngửa mặt lên trời mà rên rỉ khóc than. Rồi chừng như quá mệt và đói, anh lịm đi khi nào không hay.
“Không được. Phải tìm đồ ăn cho chúng nó. Cứ đà này thì cả nhà chết sạch cho mà xem”. Bà Lưu lẩm bẩm. Chống hai tay nhăn nheo, gầy guộc xuống đất, bà cố nâng tấm thân già nua đứng dậy. Từ hôm vợ chết, ba cha con thằng Tí ngày nào cũng dắt díu nhau đi tìm thức ăn. Cha con nó theo dân làng ra đồng mò cua, bắt ốc, đi cả ngày vẫn chưa thấy về. Đói rệu rã nên chúng cố lê la bò đi kiếm miếng ăn. Bà biết làm gì có con cua, con ốc nào sót lại. Cả làng, cả xã, nhà nào cũng đổ ra vườn, ra sông, ra suối tìm cái bỏ mồm mà nhai. Đến củ ráy, củ chuối, gốc tre cũng chẳng còn.
Cắp cái nón lá đã rách hết hai phần vành, bà không quên dắt theo con dao bị mẻ sau lưng quần. Lần này, bà Lưu quyết đến nhà cụ Lý trộm lúa. Hai hôm trước, bà đã nhìn thấy cụ Lý cho người đánh một xe cút kít, phủ đầy rơm rạ vào nhà. Bà chắc chắn mười mươi, bên dưới lớp rơm rạ ấy là những bao lúa mẩy hạt.
Cả tỉnh này, giờ chỉ mỗi nhà cụ Lý là còn có của để dành. “Đêm nay, cái mạng già này liều một mất, một còn với chúng mày”. Bà Lưu nghĩ thầm. Bà bước thẳng vào màn đêm sâu hun hút.
(Còn tiếp)
- Ngoài tiểu thuyết xuyên không, đọc thêm truyện ma ngôn tình
- Chuyện tình yêu-hôn nhân-gia đình-cuộc sống