Trích chương 17 trong tiểu thuyết Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi
-Út khờ! Út khờ! Em ở đâu?
Tôi vừa gọi, vừa khóc thút thít. Chỉ một thoáng, trời đã ngả từ chiều về đêm. Tôi vừa lo lắng, vừa sợ hãi. Biết không thể đạp xe xa hơn, tôi đành quay về, trong đầu luôn hi vọng, Út khờ đang ở nhà chờ tôi.
Tôi đẩy cửa bước vào, căn nhà vắng ngắt, bóng tối bủa vây. Út khờ vẫn chưa về. Tôi thắp đèn dầu lên, ngồi gục đầu vào giường khóc. Nghĩ đến việc Út khờ sẽ ở ngoài trời cả đêm, tôi càng tự xỉ vả bản thân. Cả tuần nay, tôi chẳng để ý đến việc ăn uống của nó. Nó có đói khát, tôi cũng không hay biết. Tôi khóc mệt, ngủ quên hồi nào không hay.
Nửa đêm, trời đổ mưa rào rào. Tôi thức dậy. Đèn gần hết dầu, ngọn lửa cháy nhỏ dần, cái bấc sắp lụi đi. Út khờ vẫn chưa về. Mưa mỗi lúc một lớn. Không biết nó đã tìm được chỗ nào ngủ nhờ qua đêm không? Nó khờ lắm. Không biết nói một câu cho ra hồn, có đói cũng chẳng biết xin ăn. Tôi ngồi dựa vào cửa, mở mắt nhìn trừng trừng ra ngoài trời, để mặc những hạt mưa li ti bám đầy mặt. Tôi không còn cảm giác lạnh hay sợ hãi bóng đêm? Tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất, mong cho trời mau sáng để đi tìm Út khờ.
Từng tia sáng đầu tiên vừa nứt mắt chui ra khỏi những tầng mây, tôi dong xe đạp ra ngoài. Mùa này, hàng xóm ai cũng bận bịu thu hoạch bắp, đậu, chẳng ai rảnh rang giúp tôi. Tôi chạy xe đạp vào khu vườn điều. Con đường đất chật chội, lại vướng ổ gà, mấy lần tôi suýt cắm đầu vào hàng rào. Một người phụ nữ cho tôi biết bà thấy một thằng nhỏ mặt ngốc, đi vào ngôi nhà nhà ngói đỏ, ở cuối đường. Tôi đứng trước ngôi nhà ba gian, lợp ngói đỏ, hồi hộp chờ đợi.
-Kiếm ai đó bé?
Một bà cụ có mái tóc hoa râm, nheo mắt hỏi tôi.
-Bà cho cháu hỏi có thằng cu nào mặt ngốc đi lạc vào đây không?
Tôi bắt chước cái từ “mặt ngốc” mà người phụ nữ tôi vừa hỏi thăm đã mô tả cho tôi. Mặt bà cụ đanh lại, vẻ giận.
-Không có.
Bà lắc đầu, bỏ vào nhà. Tôi thất vọng đi trở ra thì nghe bà gọi lại.
-À! Này, có phải muốn tìm thằng bé giống thằng cu này không?
Bà cụ vừa dứt lời, liền dắt tay một đứa trẻ trạc tuổi em tôi đi ra. Trời ơi! Nếu không được bà ấy giới thiệu trước, chắc tôi sẽ ôm chầm lấy nó mà gọi tên Út khờ. Gương mặt, tay chân đến dáng người của nó đều là bản sao của Út. Sau này được học môn sinh học, tôi mới biết những đứa trẻ thuộc hội chứng Down đều giống nhau y một khuôn đúc ra.
-Đây là cháu ngoại của tôi. Hôm qua, người trong xóm dẫn một thằng cu giống hệt cháu tôi về đây. Họ cứ tưởng là cháu tôi đi lạc nên chở về tận nhà. Tôi hét ầm lên, bảo có một đứa đã khổ muốn chết còn dẫn thêm đứa nữa về. Con rể tôi chở thằng cu ấy lên Ủy ban xã, cháu thử lên đó tìm xem có không?
Giờ tôi hiểu vì sao khi nhắc đến hai từ “mặt ngốc”, bà ta lại tỏ ra khó chịu. Dù con cháu người ta có khờ khạo, xấu xí đến đâu cũng không ai muốn chúng bị người ngoài xúc phạm, chê bai. Ở nhà, tôi và các anh chị hay trêu ghẹo Út là thằng khờ khạo, ngu ngốc…nhưng đi sang hàng xóm, đứa nào dè bỉu, xiên xỏ, chê cười em tôi bằng những từ ngữ ấy, chúng tôi sẽ nổi xung thiên, chửi toáng lại ngay.
Sau nhiều lần hỏi đường, cuối cùng tôi cũng tìm được địa chỉ Ủy ban xã. Gặp bác bảo vệ, tôi hỏi thăm ngay. Bác ta chặc lưỡi, vẻ tiếc rẻ.
-Hôm qua, có người chở một thằng nhỏ đến đây, trông mặt khờ khờ nhưng chưa kịp hỏi thăm con cháu ai, nó đã đi đâu mất.
Tôi bước đi nặng nề. Cảm giác cứ hi vọng rồi lại thất vọng đè nặng từng bước chân tôi. Đã hai ngày một đêm trôi qua, tôi vẫn bặt tin Út khờ. Tôi từng nhận mình là đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời nhưng nghĩ lại, Út khờ mới là đứa trẻ thiệt thòi nhất. Nó sinh ra đã bị khờ khạo, không nhận được sự chăm sóc của mẹ, sống với sự ghẻ lạnh của cha và đón nhận cả những hờ hững, vô tư của anh chị. Nó không có bạn bè. Không một ai bước vào được thế giới của nó. Cuộc sống của nó là tận cùng sự cô độc. Từ nhỏ đến lớn chỉ thui thủi một mình, khi đau ốm, mệt mỏi cũng không biết chỗ nào để than thở, mách bảo với người lớn.
Những hình ảnh về Út khờ như những bức tranh xám xịt, cứ từ từ lướt qua trí nhớ của tôi. Chưa bao giờ, tôi thấy căm ghét bản thân mình như lúc này. Đã bao nhiêu lần, tôi buông tay Út khờ ra khi nó cần tôi nhất? Tôi nghĩ đến việc nó đang ngất xỉu ở một góc đường nào đó vì đi lạc, vì đói mệt mà nó cũng không thể gọi tên mẹ hay tên bất cứ anh chị em nào trong nhà. Vì chưa ai ở bên cạnh, giúp đỡ, chở che khi nó nguy hiểm và cần giúp đỡ nhất?
Trời kéo mây tối sầm, dự báo cơn mưa lớn. Cả ngày không ăn, đạp xe ròng rã, chân tôi mỏi nhừ, người đã thấm mệt. Đầu óc tôi mụ mị đi, mắt cũng hoa lên, nhìn con đường toàn một màu xanh lá cây và nơi đâu trong ngọn gió, cành cây ấy cũng có gương mặt, nụ cười của thằng em ngốc. Tôi quẹo xe vào một con đường hẹp và tự hỏi không biết tôi đang đi đâu? Có khi tôi cũng đang lạc đường như Út khờ.
Một căn nhà hoang hiện ra trước mắt tôi, tường hoen ố rêu, gạch vài chỗ đã vỡ vụn, nứt xé. Ngay góc khuất một đống đá lô nhô, một thằng bé ở trần đang nằm ngả lưng dựa vào đá. Tôi thắng nhanh xe lại. “Lẽ nào là Út khờ?”. Tôi không tin vào mắt mình. Phải chi có cánh, tôi sẽ bay đến chỗ nó ngay. Chưa bao giờ tôi thấy mình khỏe mạnh và nhanh nhẹn như lúc này. Tôi đứng dưới khung xe, đạp tăng tốc, vòng xe quay như chong chóng.
-Út khờ! Út khờ!
Tôi gọi lớn. Thằng nhỏ nằm xoay mặt vào trong, nó không nghe thấy tôi gọi. Nhìn từ phía sau, tôi chắc mười phần là Út khờ. Tôi lay vai nó, vỗ nhè nhẹ vào má. Út khờ mở mắt nhìn tôi hoang mang, dường như nó chưa nhận ra tôi là ai? Nó chớp chớp mắt, nhướng mày lên, nhìn cho rõ hơn. Hai mắt nó đỏ kè, thụt sâu, trong kẽ mắt bám đầy bụi đất. Mặt nó đỏ ửng, da bong tróc ra. Dấu tích của việc dang nắng cả ngày. Chỉ hai ngày không ăn uống, người nó gầy trơ xương, muỗi, kiến cắn chi chít, nổi mẩn đỏ khắp mình mẩy. Gót chân nó nứt xé, máu tứa ra. Tay nó vẫn giữ khư khư bịch bánh mì. Có lẽ ai đó tốt bụng đã cho nó. Cái bánh vẫn còn nguyên, chứng tỏ từ qua giờ nó vẫn chưa ăn gì.
Tôi đỡ nó đứng dậy. Nó bất ngờ ôm chầm lấy tôi. Đây là việc mà xưa nay nó chưa bao giờ làm. Nó khóc tức tưởi. Tôi cũng khóc theo. Hai chị em đứng ôm nhau khóc thật lâu. Chờ cho nó hết xúc động, tôi mới dìu nó lại xe đạp. Nó cứ ôm ghì lấy tôi, không chịu lên xe. Tôi dỗ dành, năn nỉ một hồi lâu, nó mới trèo lên gacbaga ngồi, hai tay vẫn vòng ra ôm xiết lấy bụng tôi.
Tôi chở Út khờ băng qua rừng cao su. Mưa quất vào mặt rát rạt. Út khờ ngồi sau xe, run cầm cập. Tôi đã định tìm chỗ nào trú mưa nhưng trời mỗi lúc một tối, con đường càng ngày càng vắng vẻ. Tôi sợ hai chị em sẽ lạc sâu trong rừng cao su. Út khờ dựa hẳn vào người tôi, người oặt ẹo. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác ấm áp khi che chở cho một ai đó. Một tay giữ tay lái xe đạp, tay còn lại tôi vòng ra sau đỡ lấy lưng Út khờ. Sợ nó ngủ quên buông tay ra hay cho chân vào căm xe đạp, lâu lâu tôi lại gọi tên nó hoặc hỏi vài câu vu vơ để nó tỉnh ngủ. Không thể trò chuyện với nó như những người bình thường nhưng tôi tin nó cũng hạnh phúc khi cảm nhận được tôi đang quan tâm đến nó.
Quá nửa khuya, hai chị em mới về đến nhà. Tôi giặt khăn lau mặt mũi và thay cho nó bộ quần áo. Tôi đi ra, nó theo ra, đi vào, nó cũng theo vào, một bước không rời.
Suốt đêm ấy, Út khờ ngủ chập chờn, nó khóc mớ liên tục. Trên đỉnh màn, những cái xoáy đen ngòm lại xuất hiện. Tôi nhận ra nước mắt mình cũng đang rơi. Tôi đưa tay lau sạch nước mắt trên má Út khờ và lau cả nước mắt cho chính mình.