Mỗi một tác giả khi viết truyện đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những ký ức của tuổi thơ. Để câu chuyện tạo được cảm xúc cho người đọc, đôi khi chính tác giả phải trải nghiệm những cảm xúc ấy trước. Sẽ không ngạc nhiên nếu chính người viết có chung niềm vui, nỗi buồn, nỗi đau và cả sự sợ hãi với từng số phận nhân vật bạn viết!
Trong thế giới tuổi thơ, truyện ma luôn có sự hấp dẫn lạ lùng. Chúng vừa sợ nhưng lại vừa say mê nghe chuyện. Khi viết tiểu thuyết ma Hẹn anh lúc nửa đêm, nói thật tôi chịu ảnh hưởng từ những câu chuyện ma mẹ kể khi còn nhỏ. Hồi ấy, tôi luôn tin đó là những chuyện ma có thật.
Ký ức về những đêm trăng nằm ngủ trong lòng mẹ và nghe truyện ma do mẹ kể vẫn rõ mồn một trong trí nhớ của tôi. Mẹ tôi nói rằng ngày có bầu tôi, mẹ đau bụng nhưng chờ mãi vẫn không sinh được. Đó là một đêm rằm sáng trăng vời vợi.
Cô y tá nói mẹ tôi đi bộ thử một vòng. Ngày ấy y học chưa phát triển nên việc sinh nở rất nguy hiểm. Nhiều chị em phụ nữ chết trên bàn sinh.
Vậy là mẹ tôi nghe lời chị hộ sinh, đi bộ trên đường làng.
Khi mẹ tôi đang đi thì có một người đàn ông bước nhanh theo mẹ. Dáng anh ta cao nghều nghễu.
Anh ta chủ động bắt chuyện, hỏi mẹ tôi rất nhiều câu. Khi cơn đau bụng bớt dần, mẹ tôi quay mặt lại nhìn người đàn ông bên cạnh kỹ hơn. Bà hú hồn suýt té xỉu. Thì ra đó là anh hàng xóm mới chết, vừa chôn hôm qua.
Mẹ tôi lớn tiếng: “Anh chết rồi sao còn về đây nhát ma tôi?”. Thấy vậy anh ta nhảy vào nấm mộ bên đường. Mẹ tôi nhìn kỹ hơn thì thấy đó chính là nấm mộ của anh ta, hôm qua cả xóm vừa đưa tang. Nghe rùng rợn quá phải không?
Đến khi lớn lên, tôi cứ phân vân, không biết câu chuyện ma ấy có thật không? Hay do mẹ tôi trong lúc quá đau bụng sinh nên “nhìn gà hóa quốc”.
Nhưng dù sao mỗi lần nghe mẹ kể, tôi đều sợ hãi.
(Trích nhật ký những ngày viết tiểu thuyết Hẹn anh lúc nửa đêm)