Trong giờ ăn trưa, tôi hỏi thăm về gia đình con cái. Bỗng anh thợ làm cửa sắt cho gia đình tôi thở vắn than dài, giọng rầu rĩ: “Chán lắm em ạ! Anh có hai đứa con trai mà tụi nó toàn ở nhà nằm bấm điện thoại! Không làm gì cả. Chỉ chờ tới giờ cơm… cha mẹ gọi xuống ăn”.
Mới nghe, tôi còn tưởng hai con trai anh đang tuổi đi học nhưng khi nghe anh tâm sự, tôi không khỏi ái ngại cho cảnh ngộ của anh.
Sau khi học hết lớp 12, cậu con trai lớn than vãn với anh: “Học mệt quá, con không học nổi nữa. Ba mẹ cho con nghỉ xả hơi một thời gian”. Anh chị đồng ý ngay. Từ đó đến nay, con trai lớn của anh đã “nghỉ xả hơi” ở nhà tròm trèm hơn 2 năm.
Năm nay, đến lượt cậu con trai út của anh cũng vừa học hết cấp 3 và cũng nối gót theo anh trai “nghỉ ngơi”, sau những năm học hành phổ thông “mệt mỏi”. Hiện tại, hai anh em chiếm dụng hai căn phòng, ngày ngày đóng cửa… lướt điện thoại từ sáng đến khuya.
Tôi nhắc khéo: “Anh định sẽ nuôi tụi nhỏ đến khi nào… mới cho đi làm?”. Gương mặt anh thợ sắt buồn rầu lẫn lo âu. Lau nhanh những giọt mồ hôi lăn trên má, giọng anh như buông xuôi: “Cũng không biết làm sao khuyên bảo hai đứa nhỏ đi làm. Thôi thì mình ráng vậy… đến khi nào mình không còn sức để làm nữa thì tụi nó cũng phải đi làm thôi”.
Nhìn cái dáng mệt mỏi, từng bước chân có phần nặng nề của anh, có lẽ ở độ tuổi ngoài 50, anh như chiếc xe chạy nhiều năm, máy móc đã rệu rão đi. Tôi không biết anh còn sức gắng gượng cày cuốc được bao lâu nữa để nuôi hai đứa con sức dài vai rộng đang nằm không ở nhà? Và có bao giờ anh nghĩ đến một ngày nào đó, lỡ anh dập gãy bất thình lình, những đứa con ấy ngơ ngác giữa đời, làm sao để bươn chải kiếm sống đây?
Khi viết những dòng này, Nguyễn Nga nhớ lại ngày ấu thơ, Nga hay nghe chú hàng xóm mắng xối xả những người con của chú, mỗi khi họ trốn học, đi chơi.
Chú bảo: “Tao cho chúng mày đi học là để chúng mày có cần câu cơm. Sau này, mài chữ ra mà ăn. Còn nếu chúng mày không học được thì về nhà cày ruộng với tao”.
Chú có bốn người con, hai trai và hai gái. Sau này, có hai anh chị lớn, chỉ học hết cấp hai thì nghỉ ngang. Họ ở nhà làm nông với chú. Hơn hai mẫu đất, chú chia lại cho họ mỗi người một nửa để trồng trọt, chăn nuôi. Còn hai người con sau đều chăm chỉ học hành đến nơi đến chốn. Họ lên thành phố lập nghiệp. Người thì trở thành chủ xưởng may quần áo. Người thì làm trong một ngân hàng, nghe đâu thu nhập cao ngất ngưởng.
Nhiều lần, chú hàng xóm ấy hay tâm sự với bố tôi: “Con người không chịu lao động trí óc thì phải bươn chải tay chân mà kiếm sống. Cái nào cũng không chịu làm thì lấy gì mà ăn. Anh em mình rồi cũng già, cũng chết. Ai sống đời mà nuôi chúng nó mãi”. Nhiều năm qua đi, tôi mới nhận ra, chú hàng xóm của tôi dẫu chỉ là một người thuần nông nhưng có cách dạy con thấu tình đạt lý, nhìn xa trông rộng biết nhường nào.
- Đọc sách giấy xuất bản của tác giả Nguyễn Nga – một cuốn sách giàu triết lý sống, giúp bạn thức tỉnh và nhận ra con đường đi đến hạnh phúc, thay đổi cuộc đời bắt đầu từ đâu: “TIỂU THUYẾT TIÊN MẮC ĐỌA”
- Đặt sách điện tử trọn tất cả các bộ tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn của tác giả Nguyễn Nga, xem thêm tại Google Play.