Banner

Để Trở Thành Tiểu Thuyết Gia Cần Tố Chất Gì?

by VietLachVn

Yêu thích việc viết lách

Để trở thành nhà văn, điều đầu tiên là bạn phải yêu thích công việc viết lách. Dù là viết về bất cứ đề tài gì, mỗi ngày được ngồi vào bàn viết với bạn phải là niềm vui, hạnh phúc.

Nguyễn Nga thường nhớ về những ngày còn đi học, buổi chiều mình thường lấy một cuốn tập và ra cuối vườn viết những mẩu truyện ngắn.

Sau này, khi đã trưởng thành, mình theo đuổi tất cả các công việc liên quan đến viết lách. Mình từng có thời gian viết báo, viết truyện ngắn, kịch bản phim, tản văn, đến bây giờ là viết tiểu thuyết.

Khi xác định được niềm đam mê của mình, khi ấy bạn hãy nên bỏ thời gian ra theo đuổi. Nếu bạn thật sự không thích việc viết lách và xem nó như một sở thích nhất thời, bạn không nên chọn nghề viết tiểu thuyết đề “khởi nghiệp”.

Để trở thành tiểu thuyết gia, đầu tiên bạn phải yêu thích việc viết

Giàu trí tưởng tượng

Yếu tố thứ hai, vô cùng quan trọng khi bạn muốn trở thành tiểu thuyết gia đó là: Giàu trí tưởng tượng. Đặc biệt, bạn phải là người say mê yêu thích sự tưởng tượng mọi lúc, mọi nơi.
Vì để viết ra những bộ tiểu thuyết, bạn phải tưởng tượng ra những câu chuyện, nhân vật, thoại, tình huống…Trong đầu bạn lúc nào cũng sẵn sàng tràn ngập ý tưởng. Mình thường thích đi bộ, vì đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, mình đắm chìm vào thế giới các nhân vật trong tiểu thuyết do mình nghĩ ra.

Không ngừng học hỏi

Là một tiểu thuyết gia, bạn phải không ngừng học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Viết ra những cuốn tiểu thuyết với những nhân vật đa dạng tính cách, hành động, hoàn cảnh…Tất cả đòi hỏi bạn phải có kiến thức rộng.

Đọc sách tâm lý học, giúp bạn hiểu thấu tâm lý con người để từ đó xây dựng những nhân vật có tính cách phù hợp với hành động. Bạn còn phải đọc sách rất nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, lịch sử, kỹ năng… Bạn cũng nên học hỏi những tác giả khác bằng việc đọc những bộ tiểu thuyết nổi tiếng của họ.

Khi bạn càng có kiến thức rộng, những cuốn tiểu thuyết bạn viết ra càng hay, thuyết phục, phong phú từ nhân vật, đến cốt truyện, thông điệp câu chuyện….

Hành trình tự học này không chỉ diễn ra trong vòng một vài năm như việc bạn nhận bằng học ở trường. Để theo đuổi cuộc đời của một tiểu thuyết gia, bạn phải xác định sẽ không ngừng nỗ lực học tập suốt cuộc đời.

Luôn nhớ đến việc không ngừng học hỏi để cây bút của bạn mỗi ngày một sắc sảo hơn

Kiên trì và chăm chỉ

Viết truyện, không hề đơn giản chỉ dựa vào kinh nghiệm và năng khiếu của bạn mà còn cần rất nhiều ở sự nỗ lực chăm chỉ và kiên trì. Thời gian đầu, mới viết tiểu thuyết, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là ít bạn đọc biết đến, không có thu nhập…. Nhưng không vì vậy mà bạn nhanh chóng nản lòng và bỏ cuộc.

Việc kiên trì, chăm chỉ còn thể hiện ở chỗ bạn sẽ nhanh chóng hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài tập. Có rất nhiều bạn yêu thích công việc viết. Nhưng khi viết được nửa chừng thường hay nản và dừng lại. Điều này không hay vì sẽ khiến bạn không thể theo đuổi ước mơ trở thành tác giả được.


Tính kỷ luật cao

Dù nhiều người nghĩ rằng tiểu thuyết gia là một người có tính nghệ sĩ và thường làm việc theo cảm hứng. Nhưng với bản thân Nguyễn Nga, viết tiểu thuyết cũng giống như một công việc mà bạn cần phải làm với tính kỷ luật cao nhất.

Mỗi ngày, bạn nên quy định thời gian viết cụ thể. Khi đến đúng giờ đó, bạn sắp xếp công việc khác qua một bên để ngồi vào bàn và viết. Việc thiết lập kỷ luật viết sẽ giúp bạn viết nhanh hơn, viết đều đặn hơn và sớm hoàn thành cuốn tiểu thuyết hơn.

Nhờ việc kỷ luật bản thân mà Nguyễn Nga luôn hoàn thành những cuốn tiểu thuyết của mình đúng thời hạn. Mỗi năm, Nga thường đặt ra mục tiêu viết được ít nhất là một cuốn tiểu thuyết.

Việc kỷ luật viết nghiêm khắc sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành cuốn tiểu thuyết

Bên cạnh đó, việc kỷ luật viết còn giúp bạn sắp xếp thời gian khoa học để có thể làm thêm nhiều việc khác. Bởi vì thời gian đầu theo đuổi nghề viết tiểu thuyết, bạn sẽ có thu nhập khá bấp bênh. Đó là lý do bạn nên cân đối khoảng thời gian cho việc viết và việc làm thêm phù hợp để có thể theo đuổi ước mơ lâu dài.

Kết luận:

Đây chỉ là những kinh nghiệm nhỏ, trong quá trình theo đuổi nghề viết tiểu thuyết, Nguyễn Nga đã tích cóp được. Hy vọng những gợi này sẽ giúp những tác giả mới đang đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề viết văn có thêm kinh nghiệm. Để trở thành một tiểu thuyết gia, bạn còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách nữa. Chúc các bạn kiên trì và không ngừng nỗ lực để thực hiện được ước mơ của mình!

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ