Thuở bé thơ, tôi tình cờ nghe được chuyện bí mật của những lão đàn ông không nên nết mà mãi khi trưởng thành, tôi mới ngẫm ra vì sao họ lại hành xử như vậy!
Tờ mờ sáng, khi mặt trời còn ngủ nướng, các lão nông xóm tôi thường tranh thủ làm vài ve thuốc lào, nhấp ngụm trà, mua vui với nhau vài câu chuyện vặt. Lần nào, trong những cuộc chuyện trò sôi nổi, họ cũng thường nhắc đến tên cô Hồng, góa chồng ở xóm trên.
Cô Hồng nổi tiếng xinh đẹp đúng kiểu là gái một con trông mòn con mắt. Kể từ khi chồng cô đi bán muối, mỗi đêm, các chú, các bác xóm tôi hay rình rập trước ngõ nhà cô.
Một lần, chú Kều rít một hơi thuốc lào kêu ro ro rồi ngửa cổ lên trời nhả khói, cười khinh khích, khoe: “Tối qua, em vừa ở chỗ Hồng về! Công nhận gái một con như thuốc ngon nửa điếu các bác ạ!”.
Ở xóm tôi, ai cũng khinh dễ chú Kều ra mặt. Người chú gầy nhẳng như con chàng hiu. Vì suốt ngày ôm hũ hèm nên quần áo chú lúc nào cũng nồng nồng mùi chua của kẻ say lâu ngày, không tắm giặt.
Bác Trọc nhìn chú Kều khinh khỉnh, chặc lưỡi: “Ngưỡng như chú mày mà tòm tèm được em Hồng sao?”. Chú Kều hếch mặt cười, giọng ngạo nghễ: “Thế anh không nghe câu: Đẹp trai không bằng chai mặt. Chai mặt không bằng chai rượu sao?”. Rồi chú móc cái chai rượu trắng ra, tu một hơi, cười nhếch mép đầy vẻ khiêu khích bác Trọc.
Nhưng ngạc nhiên thay, sau tràng cười rộ lên của cánh đàn ông ấy, bỗng chốc tắt ngấm, thay vào đó là những lời thú tội đầy bất ngờ của họ. Các chú, các bác, như thể đang tham gia một cuộc thi khoe khoang kỳ quặc, lần lượt kể về “chiến tích” tình ái với cô Hồng. Họ xem đó như là huy chương vàng họ đạt được khi leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Chẳng biết thực hư hay họ bịa ra để khích bác nhau. Dù chỉ là một đứa trẻ nhưng lúc đó, tôi ước gì cô Hồng có thể nghe được giọng điệu của những lão đàn ông này.
Chỉ duy mỗi bác Trọc mặt đăm chiêu, buồn bã. Bác lặng im, tay cứ vân vê mãi cái điếu cày như nghĩ ngợi đến chuyện gì sâu xa, khó đoán về cô Hồng.
Chiều hôm sau, khoảng chập choạng tối, tôi thấy bác Trọc đứng bên hàng rào, vẫy tay gọi chú Kều ơi ới. Chẳng biết hai người bàn nhau to nhỏ chuyện gì, chỉ nghe tiếng xì xào như gió rì rào quạt vào đám lá trên cao. “Có gì ngày mai bảo tôi biết nhé!”, tôi nghe tiếng chú Kều dặn với theo bác Trọc, khi ông đi như chạy về phía cuối vườn.
Sau này, nghe bố tôi kể lại, chuyện bác Trọc phỉnh phờ cô Hồng bằng một tràng dài những màn kịch lươn lẹo luồn lách, quỷ quyệt, không ai ngờ.
Đến khi trưởng thành, tôi vẫn nhớ mãi trong ký ức chuyện tình vụng trộm của bác Trọc. Sau đó, tôi viết ra hàng loạt nhân vật phản diện có tính cách gần giống hoặc thậm chí là kinh khủng hơn cả bác Trọc. Một trong số đó, chính là nhân vật Đại trong tiểu thuyết Tiên Mắc Đọa. Dùng những mưu cao kế sâu, chuyên đi săn đàn bà, con gái, Đại đã sử dụng và chín phần mười, gã đều thành công như cái cách mà bác Trọc xóm tôi đã làm.
“Giữa trán gã có một vết sẹo dài, sâu hoắm, nghe đâu là kết quả của lần đánh ghen thừa sống thiếu chết, vì tội dám léng phéng trêu chọc vợ người ta. Nhưng gã vẫn chứng nào tật nấy không bỏ. Không dám qua lại với gái có chồng thì gã đi lừa phỉnh những thiếu nữ còn trẻ người, non dạ.
Vừa trông thấy gương mặt của Đại, Tình nhận ra, đây chính là kẻ sẽ cùng phe cánh với cô như chỉ dẫn của bà Ma Tính.
– Này, lại đây tôi bảo!
Đại ngây mặt ra chốc lát, khi thấy đằng xa có một cô gái đang đưa tay vẫy gọi mình. Gã vuốt lại mái tóc cho ngay ngắn, xoa hai tay vào mặt, lòng mừng như trẩy hội, đi nhanh về phía cô gái.
Nhưng khi vừa lại gần, nhìn vào đôi mắt như lưỡi dao của Tình, gã chùn bước. Một tay thợ săn tinh tường sẽ biết đâu là những con thú khó bẫy hoặc dù có bẫy được cũng không thể “ăn” được. Đại thuộc kiểu thợ săn ấy. Gã nhận ra, Tình chính là mẫu con gái mà khi “nuốt” sẽ “mắc xương” ngay.
Đại cười nhạt, định bỏ đi thì Tình đã vội vàng móc từ trong túi vải ra một mớ tiền đồng, tung tẩy lên cao.
– Làm cho tôi việc này, chúng sẽ là của anh!
Đại nhìn cái túi vải bọc tiền đung đưa trước mặt, khẽ nuốt nước miếng, thèm thuồng. Gã sờ tay vào chai rượu, treo trước bụng rỗng không. Gã đang định đi mua thiếu rượu. Bên kia đường, mẹt lòng heo mới luộc, bốc khói thơm lừng, réo gọi gã.
– Chuyện gì, nói thử xem.
Đại nghi ngại, khi nhìn vào gương mặt đầy xảo quyệt của Tình. Cô kéo áo gã đi lại một chỗ kín đáo, cuối đường, tỉ tê vào tai Đại.
Dù chưa từng gặp nhưng Đại đã nghe người làng đồn ầm ĩ về cô em gái xấu ma chê, quỷ hờn của Tình. Khi nghĩ đến việc phải mây mưa với cô gái có vẻ ngoài như quỷ Dạ Xoa, mới đầu Đại ngao ngán, lắc đầu, xua tay từ chối. Nhưng cuối cùng, gã lại miễn cưỡng đồng ý, khi nghĩ đến câu “tắt đèn, nhà ngói như nhà tranh”. Chỉ cần làm tròn việc, gã sẽ lại rủng rỉnh có một túi tiền để chè chén suốt ngày đêm.
– Tôi gặp nó ở đâu?
Đại dè chừng, khi thấy Tình không gợi ý nơi anh sẽ gặp gỡ Tiên Hạnh.
– Cứ thẳng tiến, ngươi sẽ gặp người cần gặp!
Tình chợt nhớ đến lời dặn dò của bà Ma Tính và lặp lại một cách vô thức hệt như bà. Thấy Đại lưỡng lự, Tình móc túi vải, lấy trước một xâu tiền, nhét vào tay Đại. Mắt gã sáng quắc lên, miệng cười xởi lởi:
– Được… được… cứ đi là sẽ gặp! Cô ta nổi tiếng khắp làng, tìm không khó!
Một cái bẫy giăng ra để đưa Tiên Hạnh vào tròng nhanh chóng sắp xếp gọn gàng trong đầu Đại. Với kinh nghiệm tình trường, chuyên đi quyến rũ và lừa gạt các cô gái, Đại không khó để làm chuyện này ngay cả với những người đẹp nức tiếng xa gần, đừng nói gì là một cô gái kém sắc lại chưa trải sự đời như Tiên Hạnh….
Bạn muốn biết rõ về những mưu mô, thủ đoạn của Đại trong kế hoạch săn gái cùng số phận của gã về sau sẽ ra sao? Mời bạn đọc tiếp tại sách TIÊN MẮC ĐỌA tại đây.