Xách cái túi quần áo ra cửa, đứng tần ngần một lúc, bác trai lại đi vô, nhìn vợ, mặt đầy lo lắng bảo:
– Thôi, tui không về quê đâu. Tui ở đây với bà!
Bác gái nhíu mày, cơn đau sau ca mổ khiến bác trở mình khó khăn, giọng nhỏ nhẹ:
– Ông về trông nom nhà cửa, sẵn tưới mấy cái cây giúp tui. Đi lâu, đám cây của tui chết hết!
– Bà không lo người, tối ngày lo cây!
Cất giỏ đồ vào lại trong tủ, bác trai lại kéo ghế bố ngồi sát bên giường bệnh của vợ. Bác gái ho khùng khục. Mặt bác trai cũng nhăn nhó, đăm đăm khó nhọc theo từng cơn đau của người bạn đời. Một lúc sau, bác gái thỏ thẻ:
– Để ra viện, tui về quê cho con Út nó chăm!
Bác trai cúi mặt buồn hiu, giọng gần như nài nỉ.
– Thì bà cứ về nhà, tui chăm…
– Nhưng mà ông mắc đi làm…
– Thì tui nghỉ làm, tuổi này rồi còn ham công tiếc việc gì nữa…
Bác gái lại thở dài, đoạn quay sang tôi, bác tỉ tê tâm sự chuyện gia đình. Số là bác có hai chị em gái. Bác thì lấy chồng từ thuở đôi mươi, ở xa xôi cách trở. Em gái Út ở với cha mẹ, không lập gia đình, giờ cha mẹ đều đã mất cả nên lủi thủi có một mình. Chỉ khi bác gái đổ bệnh thì chị em bác mới có dịp hàn huyên, hủ hỉ tâm tình với nhau.
Bác trai lấy làm bực dọc, đi loanh quanh trong phòng bệnh, mặt mày ngó càng lúc càng nặng nề. Bác cứ lẩm bẩm mãi một câu.
– Bà về nhà, ở yên trong phòng, muốn ăn gì, tui mua cho!
Bác gái lại định lên tiếng cự cãi lại nhưng cơn ho đột ngột chen ngang, ngăn bác đáp trả lại ông chồng già. Thấy tình thế hai vợ chồng bác càng lúc càng như sợi dây thun kéo căng hết cỡ, tôi vội vàng đánh tiếng.
– Ý là bác trai về nhà một mình mà không có bác gái sẽ buồn đó ạ!
Tôi quay sang phân trần với bác gái. Nghe xong, gương mặt vợ bác bỗng dãn ra, đôi môi nhợt nhạt như hơi nhếch lên, điểm một nụ cười tủm tỉm. Còn bác trai lại ngượng ngùng, gãi đầu sột soạt rồi à ờ.
– Tui… ở một mình cũng chẳng sao… chỉ lo cho bà thôi!
– Dạ, thật ra bác gái cũng có nỗi khổ tâm riêng. Chắc lâu ngày bác không gặp em gái của mình nên giờ ốm đau mới có dịp chị em tâm tình với nhau! Vì cô Út cũng chỉ còn có một mình…
Đoạn tôi quay sang giải thích với bác trai. Gương mặt ông bỗng trầm buồn. Ông hấp háy đôi mắt chi chít dấu thời gian rồi quay mặt nhanh ra ngoài cửa sổ, vẫn cố giữ giọng bình tĩnh:
– Ờ… thì ở đâu, tùy ý bà chọn!
Hai vợ chồng già len lén nhìn nhau, không ai nói với ai một lời nào. Một lúc lâu, khi ông cầm cái hộp đựng đồ ăn đứng lên, hỏi nhỏ:
– Bà ăn gì để tôi mua?
Chỉ khi ấy, bác gái mới dịu dàng lên tiếng:
– Tui ăn giống ông…
Ngắt ngừng một quãng, chờ chồng bước ra mấp mé ngoài cửa, bác gái mới đệm thêm lời nhắn nhủ.
– Tui về quê với con Út… ông ở lại biết… giữ mình… là được!
Ông già quay quẩy đi khuất, cái hộp đồ đựng thức ăn lúc lắc theo từng bước chân ông. Lời người vợ dặn dò, ngắn gọn mà sâu sắc, chắt chiu bao ẩn ý thâm tình, khiến cho người ta phải suy ngẫm. Giữa biển đời bao la cám dỗ, tranh giành, ừ thì chỉ cần ông biết “giữ mình là được”.
Câu chuyện của vợ chồng ông bà khiến tôi nhận ra cuộc đời này còn bao mối lương duyên đẹp đẽ, để tôi tin rằng tình yêu chẳng phải lúc nào cũng có giới hạn bằng con số tháng… năm…
Tái bút: Một truyện ngắn tác giả Nguyễn Nga có cảm xúc viết ra nhân những ngày vào ra bệnh viện chăm người thân!
- Đặt tiểu thuyết xuất bản của tác giả Nguyễn Nga – Một cuốn sách giàu triết lý sống phương Đông, bàn về luật nhân quả, những bài học đối nhân xử thế giữa người với người, đan xen tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa chứa chan.
- Đọc sách điện tử gồm truyện ngắn – tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Nga trên app đọc sách Google Play.