Chúng ta không thể ngờ rằng, những người thân yêu, ngày ngày luôn bên cạnh trò chuyện, bỗng đột ngột bỏ chúng ta mà đi. Đôi khi mới hôm qua, ta thấy họ còn vui vẻ, nói cười vậy mà hôm nay, chúng ta lại nghe tin dữ như sét đánh ngang tai, rằng họ sắp sửa âm dương cách trở, mãi mãi rời xa chúng ta.
Khi ấy, bạn chưa kịp chuẩn bị tâm trạng hay tinh thần để đón nhận mọi thứ. Bạn sẽ thấy thế giới này như sụp đổ trước mắt.
Mời các bạn cùng nghe câu chuyện: “Cha có nhớ đường đi không”.(Mình sẽ đọc trên kênh Podcast Viết lách VN)
Ra trường bao năm, nó làm lụng chăm chỉ, dành dụm từng đồng để tiết kiệm tiền với ước mơ sẽ tự tay xây cho cha mẹ một ngôi nhà, thật khang trang. Khi ngôi nhà mới ở quê, chỉ còn chưa đầy một tuần nữa hoàn thành thì nó nhận được cuộc gọi của cha.
-Sao dạo này, cha hay đau bụng quá! Không biết có phải bị đau bao tử không con?
Cha nó vốn là một lão nông, vô cùng mạnh mẽ, chỉ khi nào cơ thể gần như không chống chọi nổi với cơn đau, ông mới điện thoại cho con gái biết. Nó vội vã hối thúc cha, đón xe lên thành phố để nó dẫn ông đi khám bệnh.
Gần một buổi dẫn cha đi qua, đi lại bao nhiêu là phòng khám, làm bao nhiêu là thủ tục giấy tờ, xét nghiệm…cuối cùng, nó cũng được bác sĩ gọi vào phòng. Khi vừa nghe ông thông báo kết luận cuối cùng về bệnh tình của cha, nó gần như ngã quỵ. Hai tai nó lùng bùng, không tin nổi những gì vừa nghe thấy.
Cha nó bị ung thư gan giai đoạn cuối, ngày tháng ở trần gian, chỉ còn tính từng ngày. Nước mắt nó, dàn dụa theo từng lời của bác sĩ.
Nó không bao giờ quên được một buổi chiều mưa gió, nó quỳ mọp gối trong chùa, khóc lóc cầu xin bồ tát hãy cho cha được mạnh khỏe trở lại như xưa. Hãy giúp cha nó, vượt qua được căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng cuối cùng, không có phép màu nào xảy ra cả. Nó phải chấp nhận quy luật của cuộc đời sinh, lão, bệnh, tử…là điều khó tránh. Nó đón nhận trong đau đớn, vì quá đỗi bất ngờ.
Mấy nay, nó gọi điện khoe với bạn bè, vừa dọn đến chỗ trọ mới, rộng và khang trang hơn. Bỗng giọng nó chùng xuống, gương mặt phảng phất một nỗi buồn lo. “Không biết qua chỗ trọ mới, liệu cha có biết đường đến thăm mình không?”.
Cha nó đã mất được hơn ba tháng. Nhưng nó luôn nhớ về kỷ niệm, những ngày cuối đời bên cha. Khoảng thời gian, nó đón cha lên ở trọ cùng để trị bệnh cho ông.
Nhớ những buổi sáng, nó dẫn cha đi uống cà phê ở quán nước, trước nhà trọ. Góc quán có hàng dây leo xanh mướt, khiến cha nhắc nhớ giàn mồng tơi ở quê. Có những chiều mưa, hai cha con ngồi trước phòng trọ cùng đọc tiểu thuyết. Chỉ khi cha lên ở cùng, nó mới biết ông mê tiểu thuyết ngôn tình. Trước giờ, nó luôn nghĩ cha chỉ có tình yêu với vườn cây, áo cá, ai biết cha cũng có tâm hồn thơ văn lãng mạn vô cùng.
Từ khi cha mất, nó không muốn ở nhà trọ cũ. Vì ở đâu, nó cũng thấy bóng dáng của cha. Khi thì ông ngồi đọc sách, khi nằm ôm con gấu bông của nó, khi ăn cơm, khi húng hắng ho…
Nhưng khi dọn đến nhà trọ mới, nó lại lo, lỡ những khi cha nhớ nó, làm sao cha biết đường để đi? Vì nhà trọ mới, ông chưa đến bao giờ? Và rồi nó lại tự an ủi là người đã mất, ở đâu cũng sẽ biết đường đi. Nó lại yên tâm, vì tin rằng: dù nó có dọn nhà trọ đi đâu thì cha vẫn sẽ đến thăm nó, mỗi khi, ông nhớ đứa con gái nhỏ này. Nó chợt nhận ra, chỉ cần trong tim có cha thì dẫu âm dương cách trở, nó vẫn sẽ như thấy cha bên cạnh mỗi ngày.
Khi Nguyễn Nga kể lại câu chuyện này, nếu chẳng may ai đó nghe được mà cha hoặc mẹ đã không còn thì hãy mạnh mẽ vượt qua nỗi đau này. Vì đây cũng là quy luật tự nhiên, chúng ta không thể chống được.
Nhưng nếu ai đó vẫn may mắn còn cha mẹ, hãy nhớ dành cho họ một chút thời gian.
Nhiều khi Nga hay nhớ về những ngày tháng, mình còn là sinh viên.
Thú thật với các bạn, ngày tuổi đôi mươi, Nga cũng đi học xa nhà nhưng mỗi lần Tết về quê, các bạn biết Nga thường làm gì không?
Khi ấy, ở độ tuổi ham vui, ham chơi nên Nga chỉ mong về nhà, gọi điện, nhắn tin họp mặt những người bạn cũ để cùng đi cà phê, ăn uống, tám chuyện. Vì quá vô tư, đôi khi mình đã không để ý để biết rằng, cha mẹ cả năm mong ngóng mình về nhà chỉ để được trò chuyện, ăn cùng mình một bữa cơm. Nhưng có khi mình đi chơi cả ngày đến tận tối mới về, nhiều khi nghĩ lại Nga vẫn còn thấy day dứt.
Giờ thì theo thời gian, Nga thấy mình đã thay đổi nhiều, cũng có thể tuổi đời ngày một nhiều hơn, già đi(hihi) nên mỗi năm, Tết là khoảng thời gian mình chỉ thích quanh quẩn ở nhà với cha mẹ.
Nga thích nhất những đêm cuối năm, ở quê không khí lành lạnh, bắc chiếc võng trước hiên nhà, nhóm bếp than, nướng thêm một ít bánh tráng. Vừa nằm võng đung đưa, ăn bánh tráng nướng, vừa trò chuyện phiếm với cha mẹ già. Đôi khi là những câu chuyện quẩn quanh con chó, con gà, vườn rau, cây trái…Nhưng mình cảm thấy bình yên và thư giãn vô cùng, sau khoảng thời gian ở thành phố làm việc mệt nhọc, căng thẳng.
Những ngày cuối năm này, Nguyễn Nga biết có rất nhiều bạn tha phương như Nga cũng đang nôn nao về quê ăn tết. Có lẽ một năm qua đi, khi về nhà, ngoài cha mẹ, chúng ta còn mong ngóng gặp bạn bè, họ hàng, người quen…Nhưng mong rằng sau những cuộc vui, các bạn cũng đừng quên dành chút thời gian cho cha mẹ.
Bởi vì đến một lúc nào đó, bạn sẽ giống như Nga, chợt nhận ra: “Con thích những chuyến đi dài ngày nhưng đâu biết rằng, cuộc đời cha mẹ đang ngắn lại”, phải không!?