Xin chào các bạn! Mình là Nguyễn Nga đây. Nếu bạn nào đã tìm đọc truyện tiểu thuyết, kịch bản phim của mình trên Google Play sẽ thấy mình viết rất nhiều tác phẩm. Thú thật chỉ cần nhắm mắt lại là những đoạn văn lại nhảy múa loạn xạ trong đầu mình. Mình có thể viết một đoạn văn ngắn chỉ trong vài phút là chuyện rất dễ dàng.
Nhưng mình cũng phát hiện ra, không ít bạn lại rất khổ sở khi ngồi trước máy tính, điện thoại, tập vở… vò đầu bứt tóc mà viết mãi một câu cũng không ra. Làm sao giải quyết được bài văn nan giải là “viết một đoạn văn” trong vòng một nốt nhạc đây? Hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho các bạn “bí quyết” để viết được đoạn văn ngắn hay dài dễ dàng, nhanh chóng bằng những cách rất đơn giản.
Cách 1: Ghi âm câu chuyện
Ghi âm câu chuyện mình kể hay nghe người khác kể lại. Dùng điện thoại hoặc bất cứ loại máy ghi âm nào để ghi âm lại một câu chuyện(thuộc về chủ đề một đoạn văn mà bạn sẽ viết). Ví dụ như bạn viết đoạn văn về gia đình thì hãy ghi âm những câu chuyện người khác kể về gia đình họ. Hoặc có khi là câu chuyện do bạn tự kể ra về gia đình mình.
Sau khi ghi âm xong, các bạn bật lên nghe lại và viết ra giấy. Sau khi viết xong, các bạn mới tiến hành chỉnh sửa lại câu cú, từ ngữ diễn đạt cho nó ra một đoạn văn mượt mà, trôi chảy. Có thể thêm từ láy để văn phong nhẹ nhàng, thu hút hơn.
Mình sẽ lấy ví dụ minh họa cụ thể nhé: “Viết một đoạn văn ngắn kể về gia đình em”. Có một cách giúp bạn viết đoạn văn này nhanh chóng nhất. Bạn hãy thử hỏi hoàn cảnh gia đình của bất cứ người thân, bạn bè, người quen, hàng xóm nào…Bạn nhờ họ kể câu chuyện gia đình của họ ra. Sau đó, bạn xin phép ghi âm lại. Về nhà, bạn chỉ việc mở ra nghe, viết và chỉnh sửa lại câu văn theo ý mình. Hoặc bạn cũng có thể tự kể câu chuyện gia đình mình rồi ghi âm và viết, sửa lại theo cách này.
Nếu các bạn vẫn cảm thấy gặp khó khăn, mình xin lấy một ví dụ đơn giản về đoạn văn viết về gia đình để các bạn tham khảo. Mình lấy từ nội dung rút gọn trong truyện dài “Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi”. Các bạn có thể đọc truyện này để chọn lấy nội dung viết đoạn văn về gia đình như cha mẹ, anh chị em, bạn thân, hàng xóm, quê hương….Vì trong câu chuyện, mình mô tả khá chi tiết về tính cách, sở thích, thói quen, tuổi tác…của các nhân vật.
Ví dụ viết đoạn văn, dựa theo truyện của Nguyễn Nga:
“Gia đình tôi có 5 anh chị em gồm có: Chị Hồ, anh Ốc, chị Heo, tôi và Út Khờ. Chị Hồ là chị cả, lớn nhất trong nhà. Chị ấy tính tính rất hung dữ, nóng tính và hay đánh đòn các đứa em. Còn anh Ốc là một người lầm lì, ít nói. Chị Heo thì rất vui tính và rất yêu thương các em. Tôi là một đứa trẻ rất nhút nhát lại hay khóc nhè. Còn Út Khờ thì như tên gọi, rất khờ khạo. Nhiều người hàng xóm gọi nó là thằng ngốc. Bố tôi là một người nghiện rượu từ khi còn rất trẻ. Mẹ tôi đã bỏ nhà ra đi, vì không thể chịu nổi việc bố hay uống rượu, chửi rủa và đánh đập bà.“
Cách 2: Kể chuyện trước-Viết sau
Mình nhớ có một lần mình nhờ nhà văn Phan Triều Hải góp ý giúp mình về bản thảo truyện dài “Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi”. Anh ấy có viết: “Show, don’t tell. Tức cho nhân vật thể hiện, đừng kể tường thuật. Để hành động lên tiếng, qua đó người đọc thấy tính cách của nhân vật”.
Ý của anh ấy nói rằng việc kể lể sẽ gây cho người đọc nhàm chán. Nhưng với những bạn thật sự không có năng khiếu viết văn, Nga xin phép được chỉ dẫn điều ngược lại. Đó là: “Kể chuyện trước, viết sau”.
Đầu tiên, bạn đừng nghĩ trong đầu là mình đang viết một đoạn văn. Bạn hãy nghĩ đơn giản là mình đang kể một câu chuyện. Và bạn cứ kể bằng văn nói một cách thoải mái nhất. Sau đó, bạn viết ra giấy chính lời kể của mình. Bước cuối cùng, bạn chỉnh sửa bằng việc rút gọn những câu dài lê thê. Bạn diễn đạt và viết lại bằng những câu ngắn gọn, súc tích hơn. Bạn thêm từ láy, thêm từ ghép, thêm mô tả để đoạn văn hay và hấp dẫn hơn. Đó chính là cách bạn chuyển từ bài nói thành đoạn văn viết.
Ví dụ “viết một đoạn văn nói về việc tốt mà em đã làm”
Kể chuyện:“Sáng nay, tôi dậy sớm đi làm thì thấy một ông già bị cụt chân đi bán vé số. Tôi lấy 10 ngàn ra cho. Ông già không chịu lấy tiền mà cứ nói tôi đi bán vé số chứ không đi xin tiền. Thế là tôi lấy luôn tờ tiền đó để mua vé số cho ông già. Ông cười và cảm ơn tôi”.
Bạn thấy đoạn văn được kể ra mặc dù cũng đầy đủ ý nghĩa nhưng khiến người đọc thấy khô khan, tẻ nhạt. Việc của bạn lúc này là bắt đầu viết những gì mình kể ra giấy, sau đó tiến hành sửa. Bạn sẽ gạch bỏ những từ kể lể dư thừa, thêm động từ, tính từ, từ láy…để đoạn văn hay thu hút hơn. Mình sẽ minh họa việc chuyển đoạn văn nói thành văn viết để các bạn tham khảo cách làm nhé.
Sửa lại: “Sáng nay, trên đường đi làm, tôi gặp một ông già bán vé số dạo, đôi chân cụt đến tận đầu gối. Tôi rút bóp, lấy ra tờ 10 ngàn đưa cho ông. Ông già xua tay, lắc đầu từ chối. Ông nói, vẻ giận dữ: “Tôi bán vé số chứ đâu phải ăn xin”. Trước thái độ dứt khoát của ông, tôi đành dùng số tiền ấy để mua 1 tờ vé số ủng hộ ông. Trước khi đi, ông không quên nói lời cảm ơn tôi. Ánh mắt ông dường như rạng rỡ, tươi vui và yêu đời hơn. Tôi cũng thấy lòng mình thêm ấm áp bởi đã làm được một việc tử tế…”.
Các bạn thấy đoạn văn sau khi sửa lại thành văn viết, đọc to lên có vẻ thu hút hơn phải không? Với cách làm này, các bạn không có năng khiếu viết lách sẽ bớt vất vả, cực nhọc hơn khi viết. Đồng thời cách viết này cũng giúp các bạn hạn chế việc ăn “quả bí” ý tưởng. Giúp các bạn sáng tạo và yêu thích việc viết văn hơn.
Cách 3: Đọc-Nghe-Xem-Viết
Để tăng thêm vốn từ ngữ phong phú cũng như việc đặt câu, viết đoạn văn dễ dàng hơn, các bạn nên chăm chỉ Đọc-nghe-xem-viết.
+ “Đọc” ở đây là đọc sách, báo, tạp chí…
+”Nghe” là nghe các chương trình từ sách nói, podcast, Youtube, radio….
+”Xem” các chương trình tivi, kênh mạng xã hội…
+”Viết” là sau khi trải nghiệm cả ba hình thức trên, các bạn bắt đầu viết lại những câu chuyện, những ý tưởng mình vừa đọc-nghe-xem được thành những đoạn văn. Đây là cách rèn luyện việc viết đoạn văn trôi chảy, dễ dàng.
Nhưng các bạn nên lưu ý trong việc chọn chủ đề để Đọc-nghe-xem sao cho phù hợp những gì mình đang muốn “Viết”.
Trong các cách thẩm thấu nhanh, nhiều và hiệu quả nhất, Nguyễn Nga vẫn khuyên các bạn nên “ĐỌC” nhiều. Đặc biệt là đọc sách, bởi khi đọc, các bạn sẽ tập trung hơn, thẩm thấu, tưởng tượng và rút ra cho mình nhiều điều bổ ích hơn.
Cách 4: Chơi trò nhắn tin
Dùng việc nhắn tin, chat chít trên điện thoại cho bạn bè, người thân, hội nhóm, diễn đàn…bằng những tin nhắn dài. Đây là cách giúp bạn nâng cao khả năng viết đoạn văn ngắn của mình. Cách này gọi là “vừa chơi mà học” rất bổ ích.
Mình cho một ví dụ cụ thể như việc mình tham gia diễn đàn về Hội yêu cây xanh chẳng hạn. Khi gặp đề bài yêu cầu: “Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây lá hoặc hoa, quả, rễ…”. Bạn sẽ vô diễn đàn đó hay hội nhóm đó để nhắn tin hỏi thăm. Hãy hỏi thật nhiều để người khác trả lời thật nhiều. Từ đó, bạn sử dụng những trả lời đó, chỉnh sửa lại thành đoạn văn cho phù hợp chủ đề của mình.
Khi nhắn tin cho người bạn thân cũng dùng cách này. Nếu chẳng may “viết đoạn văn về người bạn thân”, bạn sẽ có ngay tư liệu để dùng. Thay vì nhắn tin ngắn gọn như ngày thường thì hôm nay, bạn hãy tập hỏi và nhắn tin dài. Chắc chắn bạn của bạn cũng sẽ trả lời dài và chọn ra để viết lại cho thành đoạn văn mượt mà. Mình sẽ lấy ví dụ minh họa cụ thể.
Ví dụ “việc nhắn tin cho bạn bè để chuyển đoạn tin nhắn thành đoạn văn”
-Cậu với tớ đã chơi thân với nhau bao lâu rồi nhỉ?
-Trả lời: Hình như là 3 hay 5-10 năm gì đó. Mình không nhớ lắm. Nhưng mà hình như khi tụi mình học chung cấp 1 thì phải. Khi ấy, cậu ngồi chung bàn với mình. Cậu còn làm đổ cả mực lên áo mình. Cậu còn hay chọc ghẹo mình là “đồ lùn”, “sún răng”…
-Cậu với mình có sở thích gì giống nhau không mà chơi thân được lâu thế?
-Trả lời: Có nhiều lắm. Tụi mình thích ăn bánh tráng trộn, thích hát hò, thích bơi lội…
-Cậu có nhớ từng giận mình vì chuyện gì không?
-Trả lời: Có chứ. Đó là lần cậu có một người bạn mới học giỏi, xinh đẹp hơn mình. Khi ấy, cậu đã “bơ” mình nhiều ngày. Cậu chẳng buồn nói chuyện với mình. Cậu làm mình buồn lắm. Mình đã giận cậu suốt 2 tuần rồi sau đó cậu bắt chuyện. Chúng mình lại chơi thân lại với nhau.
Bây giờ, việc của bạn là copy những dòng tin nhắn này lại thành một đoạn văn. Nhưng nhớ là phải chỉnh sửa lại câu cú, từ diễn đạt cho hay và trôi chảy nhé. Mình sẽ chuyển thử để các bạn xem tham khảo nhé.
Chuyển tin nhắn thành một đoạn văn ngắn: “Cậu với mình đã chơi thân với nhau bao lâu rồi nhỉ? Khi mình còn chưa nhớ ra thì cậu đã trả lời ngay: Hình như là 5 năm thì phải!?. Cậu cũng không nhớ rõ lắm. Quả thời gian trôi qua thấm thoát thoi đưa thật nhanh. Mình nhớ tình bạn ấy bắt đầu khi tụi mình học chung cấp 1. Khi ấy, mình ngồi chung bàn với cậu. Mình còn có lần làm đổ mực lên áo cậu. Rồi những khi mình chọc ghẹo cậu bằng những từ rất nặng nề như: “đồ lùn”, “sún răng”…Cậu từng khóc rất nhiều vì mình. Nhưng vốn là người rất rộng lượng nên cậu đã bỏ qua cho mình. Vậy là tình bạn chúng ta vẫn gắn bó cho đến khi một người bạn mới của mình xuất hiện. Bạn ấy đúng là học giỏi, xinh đẹp hơn cậu. Thú thật, lúc ấy mình đã lơ cậu rất nhiều ngày. Mình chẳng buồn nói chuyện líu lo với cậu như xưa. Cho đến khi xảy ra nhiều chuyện, mình mới nhận ra người bạn mới không tốt bằng cậu. Mình biết cậu đã giận dỗi mình rất nhiều. Nhưng mình biết trái tim cậu luôn bao dung với mình. Cuối cùng, cậu cũng đã tha thứ cho mình và chúng ta lại chơi thân lại với nhau như thủa ban đầu”
Các bạn thấy việc chuyển đổi từ tin nhắn với cô/cậu bạn thân thành đoạn văn sẽ dễ dàng hơn là khi ngồi suy nghĩ và viết ra rất nhiều phải không? Hãy làm theo cách của mình mỗi khi các bạn thấy việc diễn đạt câu cú khó khăn nhé. Vì so với việc viết thì việc kể chuyện hay nhắn tin sẽ dễ dàng hơn phải không nào?
Cách 5: Trò chuyện với chính mình
Đây là cách khi còn nhỏ mình hay làm mỗi khi không tìm được bạn bè chơi chung. Nhưng sau này lớn lên, mình phát hiện chính cách phân vai nhân vật và nói chuyện một mình lại giúp mình phát huy khả năng viết và tưởng tượng rất tốt.
Bạn sẽ đóng vai các nhân vật trong một câu chuyện, nói, kể, diễn xuất và ghi chép lại. Tin mình đi, bạn sẽ có một câu chuyện hoàn chỉnh, có khi lại còn hấp dẫn nữa.
-Tự hỏi và tự trả lời: Khi đề bài yêu cầu bạn “viết một đoạn văn ngắn về gia đình”. Hãy thử tưởng tượng một mình đóng vai nhân vật cha, mẹ, anh, chị em….Bạn vừa hỏi, vừa trả lời cho “vai” của từng người. Nếu không tiện ghi chép lại, bạn có thể ghi âm, sau đó nghe và viết lại và tiến hành chuyển thành đoạn văn như mình hướng dẫn.
Bạn cũng có thể chọn trò chuyện với những con vật mình yêu thích. Đây là cách mình vẫn thường làm ngay cả khi trưởng thành. Cách này không chỉ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, bạn còn có cả một câu chuyện để viết văn sống động. Hãy biến những con vật cưng thành người bạn thân của bạn. Khi đó, bạn sẽ có cả “kho” chuyện hay để viết thành nhiều đoạn văn ngắn, dài khác nhau.
Kết luận: Viết là giải trí không nên tạo áp lực để phải ăn “quả bí”. Hãy cứ áp dụng những cách đơn giản theo phương châm “chơi mà học” của mình. Hy vọng những chia sẻ kinh nghiệm từ hơn 10 năm viết văn của Nguyễn Nga sẽ giúp các bạn viết một đoạn văn dễ dàng hơn. Nếu các bạn có cách viết một đoạn văn ngắn hay và dễ thực hiện hơn, đừng quên gửi email về chia sẻ với Blog Viết lách VN nhé!
Nếu không có nhiều thời gian đọc bài, các bạn có thể xem 4 bước rút gọn cách viết đoạn văn trên kênh Youtube của Nguyễn Nga.
4 bình luận
Bài viết hay quá, để tập hàng ngày nha.
Cảm ơn bạn, rất hay. Mình đang thật sự bí ý tưởng. Đọc xong lại thấy tràn trề năng lượng. Chúc bạn xuất bản được nhiều bài viết ý nghĩa nhé!
Cảm ơn bạn thật nhiều! Mến chúc bạn viết vui, viết khỏe và viết nhiều nhé!
Viết ngắn để truyền tải thông điệp nhanh chóng. Viết dài để giải thích chi tiết từng thông điệp.