Banner

Đọc Truyện Xuyên Không Hay: “Bà Già Đến Từ Âm Phủ”(Chap 6)

by VietLachVn

Chương 6-Kẻ cắp gặp bà già

Gã thả mạnh Lan Chi xuống giường khách sạn như quăng nhanh một túi đồ nặng nề, vướng víu. Hai mắt cô nặng trĩu, không tài nào mở ra được. Không kịp cởi giày, gã ngồi sấn lên người cô. Hai tay gã vục vào ngực cô thô bạo. Cô nghe tiếng cúc áo đứt lạo xạo. Nửa tỉnh, nửa mê nhưng Lan Chi vẫn kịp nhận ra chuyện gì đang xảy ra?

Cô đưa tay túm áo giữ lại. Gã bẻ ngoặt tay cô gập ra sau, kéo tuột quần cô xuống. Chỉ trong nháy mắt, gã lột sạch quần áo của cô. Mặc cô kêu gào thảm thiết. Một hàm răng vàng khè khói thuốc, cười nanh nọc. Lưỡi gã thè ra như vòi bạch tuột, bò vào cả lỗ mũi của cô. Ánh đèn ngủ lờ mờ của khách sạn kịp để cô nhận ra gã. Là Khanh. Kẻ vẫn đưa đón chị Lan Hương ngày hai buổi đi làm.

Khi quần gã vừa rớt xuống sàn nhà thì một tiếng động mạnh vang lên như có động đất. Ầm. Cửa kính vỡ vụn, văng khắp phòng. Một bóng người đen sì nằm giữa phòng bất động như xác chết. Mùi hôi thối loang ra cả căn phòng.

“Ai ném xác người chết vào phòng?”, Khanh lẩm bẩm. Khanh nín thở, cố xua đi mùi hôi nồng nặc đang xộc vào mũi.

Gã sợ hãi, vội nhảy khỏi giường. Khanh rón rén đi lại gần cái xác. Bỗng một bàn tay chụp lấy chân gã. Gã hét lên thất thanh. Đèn phòng bật sáng trưng như ban ngày. Hai nhân viên khách sạn mở cửa lao vào. Họ vội đưa tay lên bịt mũi. Lan Chi kịp định thần lại. Cô vơ vội tấm mền quấn che người.

Bàn tay bà già vẫn bám chặt cứng chân Khanh, dai như một con đỉa đói. Gã vừa kéo áo che mũi, vừa đạp, vừa giãy, cố thoát ra khỏi bàn tay bê bết máu của bà già. Không ai nhìn ra bà già là người hay là ma? Hai má bà hóp lại, hàm răng đen như than chìa ra, hai hốc mắt sâu như hai vũng nước. Đầu bà quấn khăn mỏ quạ, mặc áo nâu sòng, quần lụa đen. Trông bà như một bộ xương người tiền sử mà các nhà khảo cổ vừa khai quật được.

-Buông tôi ra. Bà là người hay ma vậy?

Khanh càng nhìn bà, càng thấy sợ. Gã vừa giãy, vừa thét. Hai nhân viên khách sạn vẫn chưa hết kinh hãi, chỉ dám đứng từ xa nhìn.

-Ai làm vỡ cửa kính của khách sạn?

Một trong hai người lên tiếng. Gã Khanh chỉ ngay vào bà già.

-Cứu tôi với! Tôi sắp chết đến nơi rồi. Các ông, các bà làm ơn cứu tôi với!

Bà già rên rỉ.

Khoảng năm phút sau, hai nhân viên kéo bà ra khỏi khách sạn. Họ bỏ mặc bà nằm co ro ngoài vỉa hè. Họ ngại đưa bà đi cấp cứu, phần vì sợ phiền phức, tốn kém, phần vì không chịu nổi mùi hôi, từ người bà bốc ra. Không ai ngờ rằng, đó là bà Lưu, người đến từ nạn đói năm 1945. 

Đọc truyện xuyên không hay bà già đến từ âm phủ

Lan Chi đi qua, đi lại quanh chỗ bà Lưu nằm. Vụ hiếp dâm hụt vẫn khiến cô chưa hết bàng hoàng. Nhưng dù sao sự xuất hiện đúng thời điểm của bà đã cứu cô thoát khỏi gã yêu râu xanh.

Gã Khanh cau có, luôn miệng chửi rủa khi chủ khách sạn bắt gã phải thường tiền cửa kính bị vỡ. Trước khi rời khỏi khách sạn, gã còn đánh vòng xe hơi qua lại hai lẫn chỗ bà già và Lan Chi. Cô sợ hãi, nhảy lên vỉa hè. Lan Chi đoán gã muốn tông xe nghiền nát cả cô lẫn bà già. Nhưng những chiếc camera an ninh trên đường đã ngăn cơn cuồng sát của gã lại.

Đã ba lần Lan Chi định bỏ đi, mặc kệ bà già khốn khổ chết trên đường. Khi người ta tận cùng bất hạnh, họ chẳng còn hơi sức để quan tâm đến sự bật hạnh của người khác. Nhưng khi vừa đi được vài bước, cô nghe tiếng rên ư ử của bà già. Tiếng kêu hệt như tiếng con mèo con mà ngày nhỏ, Lan Chi nhìn thấy trong thùng rác trước cửa nhà. Ánh mắt của nó khi ấy cũng nhìn cô vẻ van xin, cầu cứu như ánh mắt bà già này. Lan Chi định ẵm nó lên nhưng mẹ quắc mắt. Lan Chi vội bỏ ngay ý nghĩ mang con mèo về nuôi.

Đến giờ, cô vẫn không quên được cảm giác ray rứt ấy. Và luôn bị ánh mắt của chú mèo con ngày xưa ám ảnh. Cô chưa biết nên gọi mẹ là gì? Cô chưa tìm được một từ, thay cho từ “mẹ” mà bao năm nay cô vẫn gọi. Lan Chi vẫn chưa thể xóa sạch những ký ức về người mẹ hờ ấy.

-Cứu…cứu tôi với!

Bà Lưu thì thào từng lời khó khăn. Bà đưa một bàn tay lên, vẫy nhẹ. Chần chừ chốc lát, cuối cùng Lan Chi cũng đỡ bà ngồi dựa vào tường của một quán nước đã đóng cửa.

Trời về khuya, không còn ai bán đồ ăn, thức uống. Có một chai nước suối ai đó uống dở, nằm bên đường. Lan Chi vội nhặt lấy. Cô đổ nước ra nắp chai, nhẹ nhàng trút từng ngụm nước vào miệng bà lão. Bà chậm rãi nuốt từng ngụm. Bà bị sặc nước, ho hục hặc, thở dốc khiến Lan Chi hoảng sợ. Cô sẽ chẳng biết làm gì trước một xác chết bên đường vào đêm hôm khuya vắng.

Cô ngồi bệt xuống đất, mệt mỏi, ngáp ngắn, ngáp dài, mong cho trời mau sáng để tìm người giúp đỡ bà già. Cô phải trở về nhà, lấy ít quần áo và khoản tiền tiết kiệm dành dụm bấy lâu. Lan Chi lấy điện thoại ra, nhìn chăm chú màn hình. Không một tin nhắn hay một cuộc gọi nhỡ nào của mẹ hay chị gái? Vì sao họ lại có thể lạnh lùng với cô như vậy? Nước mắt rỉ ra. Cô xoay sang nhìn bà già đã ngủ ngon lành. Thi thoảng, bà lại nói mớ, hú hét sợ hãi như gặp phải ác mộng. Cô nhận ra giờ đây, cô cũng chẳng khác những người vô gia cư là bao!?

Chờ đến khi trời tờ mờ sáng, có một xe súp cua dạo đi ngang. Lan Chi mua cho bà lão một hộp. Cô bón cho bà từng muỗng. Đến khi trời sáng hẳn thì bà cũng tỉnh dần. Việc đầu tiên bà làm khi tỉnh lại là ngồi bật dậy, nhìn ngó xung quanh.

Bà cứ luôn miệng hỏi Lan Chi mãi một câu: “Ở đây là đâu?”. Cô cứ trả lời hết tên đường, tên phường, số nhà xong. Bà lại tiếp tục lặp lại câu hỏi cũ. Cô có cảm giác như đầu óc của bà không được bình thường. Hoặc bà đã bị lẫn do tuổi già. Có thể bà ở quê, lên nhà con cháu trên thành phố rồi đi lạc. Lang thang ngoài đường nhiều ngày đói khát nên bà ốm quặt quẹo, trí nhớ mất đi.

Bà già mải mê ngắm dòng xe cộ bằng ánh mắt lạ lẫm. Trong đời bà chưa bao giờ thấy một nơi nào lại có nhà cao cửa rộng, xe cộ tấp nập, người đông như kiến.

-Nhà bà ở đâu? Bà có nhớ số điện thoại của con cháu không? 

Cô nhận ra mình cũng chẳng có chỗ nào để đi nên việc đưa một bà già về nhà, biết đâu cô sẽ gặp may mắn. Con cháu của bà có thể biết ơn cô. Họ sẽ cho cô ở lại. Họ còn cho cô một công việc làm thêm. Hay họ cho cô ăn nhờ, ở đậu một thời gian để cô kịp xoay xở cuộc sống. Vì bố mất đi đột ngột, Lan Chi bỗng chốc trở thành kẻ bơ vơ. Khoản tiền vài triệu mà lúc còn sống, bố cho cô ăn quà vặt sẽ chẳng thấm tháp vào đâu. Cô phải nhanh chóng tìm được một công việc, trước khi sạch túi.

-Nhà tôi? Con cháu của tôi? Ôi! Sửu ơi! Tí ơi! Tủn ơi…? Bọn ác ôn chúng nó giết con cháu tôi rồi phải không?

Bỗng bà già gào khóc thê thảm. Những người đi đường tò mò nhìn hai bà cháu. Lan Chi xấu hổ vội lấy khẩu trang ra mang vào.

-Trời ơi! Bà đừng có khóc nữa, kẻo người ta tưởng cháu ngược đãi người già.

-Không bắt được tôi, người cụ Lý sẽ không tha cho con cháu tôi đâu. Ôi! Tí, Tủn ơi! Các ông, các bà ơi! Cứu con cháu tôi với!

Bà Lưu quỳ sụp xuống, vừa khóc, vừa chắp tay vái lạy những người đi đường. Đám đông hiếu kỳ nhiều chuyện, bắt đầu xúm xít lại xem. Lan Chi cảm thấy khó chịu. Cô đứng lên định bỏ đi nhưng bà già chụp chân cô, ôm khư khư giữ lại.

-Tôi không biết ở đây là đâu. Cô làm ơn, làm phước, đừng bỏ tôi. Cứu một mạng người hơn xây bảy ngôi chùa!

Lan Chi đến khổ sở vì bà già cứ đeo bám lấy cô. Thân cô lo không xong, giờ lại mang thêm “cục nợ” từ trên trời rơi xuống. Cô nhìn bà già kỹ hơn. Cô nhận ra ở bà thật lạ, khác biệt tất cả mọi người ở đây từ cách ăn mặc đến cách nói năng. Nhìn quần áo và vóc người bà, có lẽ cũng không phải giàu có gì. Như chợt nghĩ ra điều gì, Lan Chi lấy điện thoại ra bấm và dò, vài giây sau, cô quay về phía bà già.

-Giờ cháu kêu xe chở bà đến công an phường, có gì người ta giúp bà tìm người thân.

Khi một gã mặc áo màu xanh dừng xe máy lại. Lan Chi bảo bà lên xe. Nhưng bà nhất định không lên. Bà không biết cái người mặc áo xanh ấy sẽ chở bà đi đâu? Hay họ sẽ đưa bà về cho cụ Lý. Bà đứng thụt ra sau, mặt hoảng hốt, xua tay, lắc đầu, nói liên tục một câu: “Không…không…không…Tôi không đi đâu cả”.

Bà đã nhìn kỹ mặt mũi, quần áo Lan Chi và nhận ra chắc hẳn cô phải là con nhà khá giả, cũng vào tầm cỡ như nhà cụ Lý. Bà lại nhìn một lượt nhà cửa, đường phố, bà chưa biết đây là đâu. Nhưng ở đây chắc hẳn phải cách nhà bà rất xa.

Suốt đêm, cô gái trẻ này vẫn chưa bỏ rơi bà, chắc hẳn cô cũng là người tốt. Bằng kinh nghiệm lâu năm của một người già, bà Lưu nghĩ ra một cách để xin Lan Chi giúp đỡ bà. Bà cho rằng không ai là không yêu thích vàng bạc, của cải. Người càng trẻ lại càng dễ tin lời người già. Bà nói nhỏ vào tai Lan Chi.

-Bà có chôn một hũ vàng ở cuối vườn. Nhưng bây giờ bà còn yếu lắm. Chưa đi được. Nếu cháu cho bà ở nhờ nhà cháu ít hôm. Khỏe lại, bà sẽ đào lấy hũ vàng, chia cho cháu một nửa. Coi như trả công cháu giúp bà.

Lan Chi nghe đến hũ vàng, cô chẳng biết thực hư ra sao nhưng ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Ngày nhỏ, cô vẫn nghe bố kể về chuyện ông cố nội chôn giấu một hũ vàng ở dưới gầm giường. Sau này, nhờ hũ vàng ấy mà ông nội mới phất lên. Cũng nhờ vậy mà bố mới được thừa kế khối tài sản đồ sộ của ông nội. Người già vẫn có thói quen cất giấu tải sản kiểu lạ lùng ấy. Sau phút đắn đo, Lan Chi khẽ gật đầu đồng ý để bà Lưu đi theo.

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ