Banner

Viết Tiểu Thuyết Dài Tập: Nhọc Nhằn Khâu Chỉnh Sửa

by VietLachVn

Công việc viết lách với một nhà văn, vốn dĩ đã rất khó khăn. Nhưng sau khi viết xong một cuốn tiểu thuyết, khâu chỉnh sửa và biên tập lại sẽ rút không ít sức lực của tác giả.

Làm sao để việc chỉnh sửa tiểu thuyết bớt phần vất vả? Cách để tự biên tập tiểu thuyết của mình hay hơn và nhanh hơn? Xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân tôi, sau 2 bộ tiểu thuyết Một đứa vừa chạy trốn khỏi tôi Hẹn anh lúc nửa đêm.

Viết tiểu thuyết xong nên chỉnh sửa ngay?

Sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết, có lẽ nhiều tác giả cùng có tâm trạng muốn nhanh chóng chỉnh sửa truyện để giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Lúc trước, tôi cũng trong tâm trạng đó.

Khi vừa viết xong tiểu thuyết Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi, tôi bắt tay vào sửa ngay. Nhưng thật ra bạn không nên chỉnh sửa ngay khi vừa hoàn thành xong câu chuyện. Bởi vì ngay lúc này, cảm xúc về câu chuyện, nhân vật vẫn còn ngồn ngộn trong tác giả. Bạn sẽ không đủ sáng suốt, khách quan để nhận ra những thiếu sót trong cuốn sách của mình.

Khâu chỉnh sửa tiểu thuyết vô cùng quan trọng

Bằng chứng là sau đó, tôi đã phải chỉnh sửa lại truyện Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi hơn chục lần. Vì tôi liên tục nhận được phản hồi từ biên tập và bạn đọc về những chỗ không ổn trong câu chuyện, nhân vật.

Tốt nhất bạn nên dành 1-2 tuần nghỉ ngơi, làm việc khác và tuyệt đối không đọc lại cuốn tiểu thuyết mình vừa viết ra. Sau khoảng thời gian này, mọi thứ đã tạm quên, bạn mới dở câu chuyện ra đọc lại. Từ đây, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những thiếu sót của mình.

Nên tìm người đọc beta trước

Người đọc beta ở đây có thể là bạn bè, người thân, đồng nghiệp, biên tập…Bạn nên chọn những người ngoài việc yêu thích đọc tiểu thuyết, cần có chút kiến thức biên tập sách. Nhờ họ chỉ ra những chỗ không “ổn” trong câu chuyện của bạn.

Từ những góp ý của họ, bạn không nhất thiết nghe xong sẽ sửa ngay. Bạn cần suy nghĩ thấu đáo để quyết định xem những điểm nào thật sự cần phải sửa? Những điểm nào cần giữ lại để tránh trường hợp “vàng ném đi, đá giữ lại”.

Bạn nên tìm người đọc beta góp ý cho câu chuyện của bạn

Để làm được điều này, đòi hỏi tác giả phải thật khách quan và sáng suốt. Vì ông bà có câu “văn mình, vợ người” nên đôi khi khiến bạn rất khó để giữ được thái độ khách quan khi chỉnh sửa.

Trong quá trình chỉnh sửa những truyện ngắn, tiểu thuyết của mình, tôi đã rất nhiều lần đắn đo trong việc nên giữ lại hay cắt bỏ các chương. Tôi luôn phải đấu tranh với chính mình, vì thấy tiếc khi cắt bỏ chương này hay viết lại chương kia!?

Nên bắt đầu sửa tiểu thuyết từ đâu?

Sẽ có nhiều bạn chọn cách chỉnh sửa tiểu thuyết từ đầu đến cuối. Cách này đúng là không sai nhưng bạn sẽ phải vất vả sửa lại nhiều lần sau đó.

Đừng vội chỉnh sửa chi tiết theo trình tự từ đầu đến cuối. Viết tiểu thuyết, ở góc độ nào đó cũng có điểm tương đồng với viết kịch bản phim truyền hình. Diễn biến lắt léo cuộc đời của nhiều nhân vật khiến tác giả không tránh khỏi những thiếu sót.

Trước tiên, tác giả nên đọc lại đề cương tổng quát và sau đó, tiếp tục đọc lại toàn bộ câu chuyện. Sau khi đọc xong, bạn nên dành một khoảng thời gian suy nghĩ về các chương trong tiểu thuyết. Liệu những diễn biến như vậy có ổn không? Tính cách nhân vật đã thật sự logic và ấn tượng chưa…?

Việc biên tập tốt có thể giúp nâng tầng cuốn tiểu thuyết của bạn lên

Sau đó, bạn tiến hành note lại trên từng chương của đề cương. Và liên kết các chương lại với nhau để có một cái gì tổng quát. Khi đó, bạn mới bắt tay vào chỉnh sửa chi tiết trong từng chương.

Sau khi chỉnh sửa chi tiết các chương, bạn mới tiếp tục việc sửa lại lỗi chính tả, rà soát câu cú.

Đây chỉ là những bước cơ bản nhất trong việc chỉnh sửa tiểu thuyết của mình. Một việc quan trọng, quyết định đến chất lượng cuốn tiểu thuyết của bạn đó là tuyển được một Biên tập giỏi. Họ sẽ chỉ ra cho bạn những điểm yếu, thiếu…trong câu chuyện của bạn. Nói cách khác, một biên tập giỏi sẽ giúp nâng tầng cuốn sách của bạn lên.

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ