Suy nghĩ về cái chết của một ông già vô gia cư để ta biết cái “hữu hạn” trong sợi dây “chịu đựng” của đời người.
Tờ mờ sáng, vừa mở cửa nhà ra, cô gái trẻ tá hỏa khi thấy xác một ông lão còng queo, tím tái trước cửa nhà. Đó là ông già đã ăn dầm nằm dề vỉa hè con đường này suốt mấy tháng nay.
“Sao lại chết nhanh vậy? Hồi đêm ổng còn nhờ tui đi mua dùm tô phở mà…”. Một người đàn ông sống gần đây thảng thốt nhớ lại. Tuổi già bệnh tật lại không có nhà cửa, người thân, ông sống nhờ vào lòng hảo tâm của những người dân hai bên đường. Có một lần trong cơn đau nặng, ông đã khóc khi nhớ chuyện ngày xưa.
Ngày ông còn trẻ và còn khỏe, ông cũng có vợ con đề huề như ai. Nhưng lúc ấy, ông lại vướng vào rượu chè, cờ bạc. Ông say xỉn suốt ngày. Không nhớ đã đánh đập, chửi bới vợ con bao nhiêu lần. Cứ đến bữa là ông hất văng mâm cơm ra sân. Ngày nào, ông cũng cho họ “cơm chan nước mắt”.
Nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm…khuyên nhủ ông tu tỉnh làm ăn. Khuyên ông hãy từ bỏ những thói hư tật xấu đi. Nếu không muốn một ngày nào đó…vợ con dứt bỏ. Nhưng ông vẫn để ngoài tai. Ông luôn tin rằng họ không bao giờ dám rời xa ông.
Rồi một ngày, tỉnh lại sau chầu nhậu, ông nhìn quanh thấy căn nhà trống hoác. Vợ con ông đã gom quần áo đi trong đêm. Hàng xóm kể lại: Đêm qua ông xách dao rượt chém vợ. Chị vợ nghe đâu bị thương ở cánh tay. Mẹ con họ đón xe đò đi ngay trong đêm. Chẳng bao lâu sau, căn nhà cũ ông bán tống bán thảo để lấy tiền ăn nhậu, bài bạc. Ông thành ra “tứ cố vô thân”. Từ đó, ông lang bạt lên thành phố sống vật vạ ngoài đường.
Bên vỉa hè, xác ông teo tóp chỉ còn một nhúm, tấm chăn trùm kín mặt, kế bên là nén nhang lạnh lẽo. Khi chiếc xe của trại hòm rời đi. Không một tiếng khóc, không một người thân đến tiễn biệt ông. Chỉ có tiếng xuýt xoa của vài người dân hai bên đường qua lại.
Cuộc đời này, ta phải chịu đựng nhiều người và cũng có vài người luôn phải “chịu đựng” những trái tính, trái nết của ta. Nhưng sức chịu đựng của con người thì như một sợi dây luôn có…giới hạn. Vậy nên mỗi ngày, ta đều phải tự điều chỉnh bản thân với hi vọng sợi dây “giới hạn” ấy không đứt!?
Nguyễn Nga