Làm sao để bạn nhận ra đâu mới là một người tử tế thật sự? Đọc câu chuyện để bạn tin rằng: “Tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe thấy và người mù có thể nhìn thấy được”
- Những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống, tình yêu, gia đình cực ngắn
- Download Truyện ngắn hay ý nghĩa miễn phí
Người chủ mới đến cho đập căn nhà cũ để xây mới lại. Càng về giờ trưa, tiếng đục đẽo lại càng rền vang khắp khu phố. Nhưng có điều lạ là ngày nào cũng đúng 3 giờ chiều, cánh phụ hồ lục tục kéo nhau về, trả lại không gian yên tĩnh cho con hẻm.
Chú Tư bán canh bún đầu hẻm đã hơn 10 năm nay. Còn nhớ ngày người chủ nhà mới, kéo toán thợ hồ đến xây nhà, chú không khỏi lo lắng. Vì xe canh bún của chú nằm cách căn nhà đang xây chỉ có 2 mét hẻm. Làm sao tránh được bụi bặm, cát vữa xi măng rớt xuống khi họ thi công? Ai còn dám ngồi ăn canh bún của chú?
Nhưng cứ đến khi chú Tư đẩy xe canh bún ra đầu hẻm cũng là lúc nhóm phụ hồ cất dọn đồ nghề, ra về. Mới đầu, chú còn tưởng là “trùng hợp ngẫu nhiên”. Nhưng để ý hơn tuần nay, cứ giờ chú bán là họ nghỉ làm. Chú thấy lạ nên kéo tay một anh phụ hồ lại hỏi. Anh ta thật thà: “Chủ nhà biểu tụi tui nghỉ sớm để cho chú bán canh bún”. Chú Tư chưa hết ngỡ ngàng, hỏi lại như không tin: “Vậy còn tiền công của mấy chú?”. Anh phụ hồ cười toe: “Thì vẫn trả đủ chứ sao? Tại chủ cho nghỉ, chứ đâu phải tụi tui tự nghỉ ngang”.
Chỉ một ngày sau, câu chuyện về người chủ nhà tốt bụng đã lan truyền khắp khu phố. Ai nấy đều nghiêng mình ngưỡng mộ về nhân cách hiếm có của ông. “Tui có thuê mướn mặt bằng gì đâu. Chỉ buôn bán ngoài vỉa hè. Vậy mà họ vẫn chừa đường cho tui kiếm chén cơm”. Chú Tư gặp ai cũng luôn miệng nói mãi về người chủ nhà mới với sự biết ơn vô hạn.
Khi đụng đến…tiền là đụng đến…quyền lợi. Nếu ai đó sẵn sàng từ bỏ “quyền lợi” của họ vì “chén cơm” của bạn thì bạn đừng bao giờ nghi ngờ lòng tốt của họ?
Nguyễn Nga