Lời nói đầu: Nghề không bao giờ tệ bạc với bạn. Chỉ có con người đối xử tệ bạc với nhau. Bạn sẽ chọn một cách sống khác…khi đọc xong câu chuyện.
“Lần này tôi phải cho thằng già đó lên báo. Phải cho thiên hạ biết bộ mặt lừa đảo, tham lam của hắn… ”, Diệp làu bàu chửi rủa, hai tay vung vẩy trước ngực. Xung quanh, đám đàn ông gật gù, ủng hộ. “Em tán thành ý của chị Diệp. Phải cho truyền thông vào cuộc…”, Kiệt mạnh miệng theo.
Nhớ lại ngày này hơn một năm trước, cũng tại cây trứng cá này, vào một buổi sáng tiết trời hiu hiu lạnh, cả nhóm “văn sĩ” ngồi túm tụm một góc, bàn tán xôn xao kế hoạch triển khai chi tiết kịch bản phim. Ai là biên tập, ai biên kịch, ai là Sale, Marketing, Pr….Ông trưởng nhóm hồ hởi phân chia công việc cho từng người. Một năm sau, cũng tại góc quán cây trứng cá này vẫn là tiếng bàn tán rào rào như mưa đổ nhưng không còn dành cho những giấc mơ lộng lẫy của ngày nào mà thay vào đó là kế hoạch đòi nợ hoàn hảo.
-Công ty trả hơn 100 triệu đồng mà chúng ta không nhận được cắc nào. Làm ăn kiểu gì kỳ vậy?
Sau những ngày im lặng, cuối cùng lão Bột cũng lên tiếng. Mấy nay nghe phong phanh các nhà xuất bản đã từ chối “khéo” tập truyện ngắn của lão. Những ngày giáp Tết, vợ lão bị gai cột sống, lưng đau quằn quại, gánh rau nằm chình ình ở nhà. Hai đứa con nhỏ nhèo nhẹo tiền học thêm, lão như ngồi trên đống lửa.
Tay Kiệt cũng chẳng khá khẩm gì. Chiếc xe máy cà tàng vừa bị trộm nó khoắng mất, gã lọc cọc xe đạp đi đòi nợ kịch bản. Nghe đâu Kiệt đến tận nhà lão Đại ba lần đều thấy cửa đóng then cài. Kiệt canh chừng ở quán cà phê quen thuộc trước đây lão vẫn hay cà kê dê ngỗng, chém gió ào ào với mấy ông bạn văn nhưng không thấy tăm hơi của lão. Trong giới văn nghệ, văn gừng không một ai hay tin tức gì của lão Đại.
“Đúng là một nhóm viết quặt quẹo”, Diệp vừa đi vừa nghĩ rồi tự cười thầm chua chát. Ra trường gần 8 năm, nhảy cóc vài tờ báo với cái chức danh cộng tác viên, viết phọt phẹt được vài bài, nhuận bút còi cọc, bao giờ Diệp cũng trong cảnh chật vật, chạy ăn từng bữa. Nhiều lần bố mẹ điện thoại bảo Diệp về quê, ông bà chạy cho một chân giáo viên tiểu học ở trường làng nhưng Diệp nhất quyết không nghe. Từ khi lấy chồng, cũng là một ông nhà thơ nhép còm, cuộc sống của Diệp càng ngột ngạt hơn. Giấc mơ viết kịch bản phim truyền hình với khoản tiền rủng rỉnh như các tay đàn anh đi trước rỉ tai đã giúp Diệp sống sót qua những ngày đói kém vật vã.
-Kế toán công ty đã thanh toán hết tiền kịch bản phim. Sao anh không trả tiền cho mọi người?
Giọng Diệp đanh lại. Bên kia điện thoại, lão Đại ấp úng, giọng gần như thều thào, không ra hơi.
-Làm…gì…có tiền. Công ty chưa thẩm định xong kịch bản mà…
-Có cần tôi dẫn anh lên gặp kế toán công ty đối chứng không?
Lão Đại cúp máy cái rột. Diệp bấm số gọi lại chỉ nhận được tín hiệu tò tí te, cùng lời thoại mặc định “Thuê bao không liên lạc được…”. Và những ngày sau, Diệp bấm số gọi cho lão thì luôn nhận được tín hiệu điện thoại bận. “Còn chặn cả số máy của mình. Thật quá quắt”, Diệp lầm bầm chửi rủa.
Những ngày cuối năm này, tâm trạng cô đi xuống hẳn, hệt như đang tuột dài trên chiếc cầu trượt dốc đứng. Mới tháng trước, Diệp còn hồ hởi khoe với chồng khoản tiền kịch bản kếch xù mà cô sắp được nhận. Hơn bốn mươi triệu đồng, con số không nhỏ so với đồng nhuận bút cộng tác viên cô hì hục viết báo. Ông chồng ngồi nhẩm tính, lẩm bẩm, so sánh bằng mấy trăm bài thơ của ông rồi cười tủm tà tủm tỉm.
Phòng trọ vắng lặng, đứa con nhỏ nằm ngủ say sưa trên chiếc giường xếp. Bên cửa sổ, ông chồng đang ngồi riết thuốc. Những mảng khói loằn ngoằn bò qua khe hở cửa sổ như những con rắn trắng đang dần hòa tan từng phần thân thể vào không khí. Diệp đi lại gần chồng, đặt hai tay lên vai anh.
-Em lấy được tiền kịch bản chưa?
Anh giụi điếu thuốc vào cái gạt tàn, hỏi vợ kiểu hờ hững, có lẽ anh đã đoán trước kết quả.
-Đúng là thằng cha gian manh. Lão là trưởng nhóm lại đứng tên kịch bản lẫn hợp đồng nên không ai biết tin gì về tiền bạc. Nhờ người quen em mới biết công ty đã thanh toán tiền cho lão mà khổ lão lại chối phăng, nói chưa trả.
-Sao không bảo lão đi đối chất?
-Lão trốn biệt, có ai gặp đâu mà đi.
Chồng Diệp thở dài thượt, giọng mệt mỏi.
-Mẹ bệnh nặng, khả năng không qua khỏi. Mai anh về quê một chuyến.
-Tiền đâu mà anh về?
-Ông biên tập cho anh ứng trước tiền nhuận bút, chỗ anh em thân nên ông ấy giúp đỡ…
Diệp im lặng, đọc được nỗi lo lắng hằn lên từng nếp nhăn chồng chéo quanh đuôi mắt của chồng. Vài triệu đồng thì thấm tháp vào đâu với một gia đình nghèo khó, khác gì gió vào nhà trống. Diệp tưởng tượng đến bộ dạng rúm ró của chồng khi anh chứng kiến cảnh khó của nhà. Căn bệnh suy thận của mẹ anh đã hút sạch đất đai, đồ đạc trong nhà. Giờ đây khi bà đối diện với cái chết, nỗi lo ma chay, tiền mua đất chôn cất…và hàng tá khoản không tên khác lại đổ lên đầu chồng. Anh không giỏi lo toan tiền bạc, cũng không giỏi chống chịu với những cơn stress cơm áo gạo tiền và cả những lời trách móc, nhiếc mắng của dòng họ. Ai biết được nỗi khổ của những người sống bằng con chữ. Càng túng quẫn, Diệp lại càng nung nấu ý định đòi nợ. Số tiền mồ hôi công sức cô đổ ra, đánh vật với con chữ suốt mấy tháng lẽ nào lại đổ sông, biển.
Hôm chồng đón tàu về quê, đứa con của Diệp bị sốt cao, ho khục khặc suốt đêm. Diệp vừa xốc con vào bệnh viện, về nhà lao vào máy tính, gõ email đòi nợ. Gọi điện không được, nhắn tin lão không trả lời, chỉ còn nước liên lạc qua email. “Lần này mà ông vẫn câm như hến, tôi sẽ cho ông lên báo”, Diệp ấn mạnh những ngón tay xuống bàn phím, từng con chữ nặng nề hiện lên.
Email đòi nợ đã viết xong, cô nghe tiếng đứa con ho. Vừa ôm lấy mẹ, bao nhiêu thức ăn, sữa sùng trong họng nó ựa ra, dính đầy quần áo cô. “Khổ thân con tôi”, Diệp nói giọng xót xa. Nhìn đứa con sinh thiếu tháng, người lúc nào cũng còm nhom, xanh bủng beo, tóc tai, da dẻ xơ xác, chẳng có chút sức sống, nước mắt Diệp vây quanh. Cuộc sống của vợ chồng cô thiếu thốn, sao đứa con được đủ đầy? Càng nghĩ, cô càng căm hận lão Đại. Nếu lão chịu trả nợ cho cô, Tết này cuộc sống của gia đình cô đã khác.
Những ngày chưa biết tin lão Đại lấy tiền rồi giật nợ kịch bản, Diệp thường tưởng tượng ra cảnh gia đình về quê vui vẻ, sum vầy bên nội ngoại. Cô nghĩ đến những bộ quần áo mới cho con, những cây thuốc ngon cho chồng và cả những bao lì xì cho những đứa cháu thiếu ăn, bụng trướng, mũi luôn thò lò.
-Có người chịu viết bài cho tụi mình, em ra họp rồi bàn bạc cách trả lời phóng viên sao cho khéo!
Lão Bột điện thoại báo tin, giọng hồ hởi như người trúng số. Hội nghị bàn tròn ba người diễn ra trong chớp nhoáng.
-Tay viết văn nghệ này từng bị lão Đại chửi xiên xéo mấy lần nên hận lắm. Lần này biết tin lão xù tiền của tụi mình, gã chịu giúp ngay.
Lão Bột mở lời như mở cờ trong bụng cho mọi người. Kiệt phủi lớp sình trên ống quần, có lẽ đó là kết quả của một ngày gã chạy sô chụp hình cưới ở ngoại thành, gục gật đầu lia lịa, miệng cười không ngớt.
-Trước đây, lão hay ba hoa với em chuyện viết kịch bản phim nọ, phim kia có tiếng, báo chí phỏng vấn, khen lão nức mũi. Giờ để người ta biết bộ mặt thật của lão xem còn công ty nào nhận mua kịch bản của lão không?
Kiệt thêm vào. Lão Bột vừa riết tẩu thuốc, vừa cười sằng sặc, nói thêm.
-Nghe đâu tay giám đốc bên công ty mua kịch bản nhóm mình cũng ủng hộ việc mình kiện cáo lão Đại.
-Một công đôi việc, nhân tiện PR luôn cho bộ phim họ sắp sản xuất…
Diệp lắc đầu, nói như thể cô đoán được toàn bộ ý đồ của công ty phim. Rõ ràng thời này, khi làm việc gì, người ta cũng tính đến nhiều cái lợi mà truyền thông là con dao hai lưỡi lợi hại nhất. Thôi kệ, mặc thiên hạ khen chê Diệp chỉ có mỗi một cái mong ước đơn giản đó là làm sao đòi được tiền nợ của lão Đại còn những lí do khác cô chẳng buồn quan tâm.
Nửa đêm, Diệp trằn trọc không ngủ được. Đứa con gái nhỏ ngủ ngon lành, không còn sốt hầm hập như ngày qua. Cô nghĩ đến chồng một mình ở quê xa. Anh vừa điện thoại báo mẹ anh mất lúc 7 giờ tối. Anh nhắn Diệp vay mượn ít tiền và chuyển khoản gấp cho anh. Diệp với tay lấy điện thoại, dò danh bạ từng người bạn cũ, cô dừng lại, định ấn số nhưng lại thôi. Gương mặt lão Đại và gói tiền viết kịch bản hiện ra phất phơ trước mắt.
Diệp nhớ đến cái bắt tay xiết chặt của gã phóng viên viết văn nghệ và lời hứa chắc chắn hình chân dung lão Đại sẽ nằm chình ình ở trang vedette. Diệp bấm lách cách: “Nếu anh không thanh toán tiền kịch bản cho cả nhóm thì đừng trách em vô tình, vô nghĩa. Em sẽ cho anh lên báo đó…”. Cô ấn nút gửi đi và hồi hộp chờ đợi tin nhắn phản hồi. Nhưng năm mười phút trôi qua và cuối cùng chỉ nhận được sự im bặt.
Trời vừa hé mắt, lạnh tê da, Diệp thức con gái dậy, mặc vội vàng bộ quần áo và sốc con lên xe. Ông chồng đã gửi 3 tin nhắn hối thúc việc chuyển tiền. Vài cuộc gọi bỏ lỡ. Xe chạy được một quãng, đứa con gái nhỏ ho khùng khục từng cơn. Diệp một tay lái xe, tay còn lại choàng ra sau ôm lấy lưng con, cố truyền chút hơi ấm qua cơ thể con bé. Chiếc xe rẽ vào một con hẻm nhỏ. Xe cộ xếp chồng chéo. “May quá, cửa nhà lão mở”, Diệp nghĩ thầm, thở phào một hơi.
Vừa bước vào nhà, mùi nhang trầm phả ra. Trên chiếc ghế bố cũ mèm, cáu bẩn, một người đàn ông nằm duỗi chân, tay vắt ngang trán. Trông cơ thể nhúm nhó, khô khốc như xác ướp. Bàn chân gầy, hõm sâu để lộ những vết nứt chằng chịt. Là lão Đại. Diệp nhận ra nhờ vào chiếc vòng bạc đen sì lão vẫn đeo ở tay phải.
-Chuyện tiền kịch bản, anh cũng đã định giải thích cho mọi người hiểu…Mấy nay nhà lu bu chuyện nên anh chưa gặp được ai.
Lão Đại nói rề rà, giọng như người ốm nặng lâu ngày.
-Chỗ anh em, không ngờ anh đối xử với chúng tôi như vậy. Anh có muốn lừa đảo thì đi ra tìm người giàu mà lừa. Ai lại đi gạt cái bọn khố rách áo ôm như chúng tôi.
Giọng Diệp rắn rỏi, hai má cô phùng lên, trông như con rắn hổ mang lúc nó sắp phun nọc độc. Lão Đại co người trên ghế, hai môi cứ mấp máy, run run, nói không ra hơi. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn không gặp mà lão tiều tụy đi nhiều. Gương mặt lão khổ sở vừa như muốn hé mở lại như muốn che đậy điều gì. Bất ngờ, từ ngoài cổng, có tiếng người gọi thất thanh.
-Bố…bố ơi! Mẹ… mất rồi.
Một cậu bé độ tuổi thiếu niên bám ở cửa, thở hồng hộc, miệng cà lăm, nước mắt nhá nhem mặt. Vừa nghe con trai báo tin, lão Đại ngã từ trên ghế xuống. Hàng xóm, bà con người đỡ, người cạo gió, quạt tay, thổi ngạt cho lão.
Diệp chở con về, lòng buồn rười rượi. Thì ra vợ lão phát bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Bao nhiêu tiền kịch bản, lão dốc sạch túi trị bệnh cho vợ, hết thuốc Bắc đến thuốc Nam. Có bệnh vái tứ phương, ai chỉ đâu, lão đi đó nhưng cuối cùng vợ lão vẫn không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Diệp nhớ đến cái dáng nằm duỗi thẳng và đôi mắt đỏ hoe của lão khi cô chỉ tay vào mặt mà chửi xa xả.
Sáng cuối năm, trời âm u, lạnh ngắt, chồng cô vừa gửi một tin nhắn giận dỗi. “Anh ở ngoài đây đến khi mẹ được 49 ngày, anh mới vô..”. Kiệt và lão Bột cũng gửi liên tiếp 2 tin nhắn, bảo đã có “tin vui”. Diệp chợt nhớ đến bài báo của tay phóng viên văn nghệ. Cô vội lấy điện thoại ra bấm số gọi, đầu dây bên kia là giọng nói lạnh lùng: “Sáng nay, báo đăng rồi. Cả làng văn nghệ xôn xao. Ai cũng không ngờ cái lão có vẻ ngoài hiền đức, dễ thương hóa ra là tay lừa đảo có số má. Đáng đời lão…cái đồ…giẻ rách…thứ quỵt tiền…”. Hình ảnh lão Đại gầy guộc, hốc mắt hõm sâu lại hiện ra choáng hết tâm trí Diệp. Tiếng kèn trống, khóc than ai oán từ đám ma nhà ai gần đó vọng lại. Diệp lặng người đi, lẩm bẩm mãi một câu: “Sao bài báo lại đăng nhanh vậy?”.
Nguyễn Nga