Banner

Bi kịch gia đình đến từ mẹ chồng-con dâu: “Món nợ”

by VietLachVn

Lời nói đầu: Bi kịch gia đình thường đến từ đâu? Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu có thể xô đẩy người đàn ông thương yêu nhất của họ làm điều khiến họ đau lòng nhất….?

 “Mày định quỵt tiền tao à?”. Bà mẹ chồng rít lên, hai hàm răng trắng phau, níu lấy nhau. Đôi mắt trắng xát, trừng trừng. Không ừ hử nửa lời,  Lan đút lia lịa cháo vào miệng đứa con. Thằng bé trợn mắt cố mà nuốt. Thi thoảng nó nghịch ngợm, bò về phía bà nội, cười hềnh hệch, Lan vội nắm chân lôi tuột lại, vẻ hậm hực. “Đồ ngu. Tao bảo mày ngồi yên mà”. Lan vừa chửi, vừa nhéo mạnh vào mông đứa con.

Bà mẹ chồng hiểu ngầm ý cô con dâu đang chửi xiên, chửi xéo, càng tức tối hơn. Bà lớn tiếng, quát nạt. Bà phải gào lên cho những người hàng xóm mới  biết con dâu bà là đứa gian tham, xảo quyệt. “Lúc mượn tiền mua nhà mày ngọt nhạt, năn nỉ tỉ tê tao. Mày còn hứa trả một nửa tiền. Giờ lại tráo trở bảo không trả là sao?”

Vài người hàng xóm tò mò, bu bám quanh cửa. Bà huơ huơ tờ giấy ghi nợ trước mặt họ. “Đây…đây…mọi người xem tôi có nói điêu không? Nó mượn tôi nửa tỉ bạc mua nhà. Tôi thương thằng con trai tôi bệnh tật nên mới cho đi một nửa, chỉ lấy có một nửa tiền. Vậy mà nó còn trở quẻ…giờ bảo không trả xu nào hết. Tôi già rồi, đâu có làm gì ra tiền. Mai mốt lấy khoản tiền nào mà dưỡng già? Các người thấy nó có khốn nạn không?…”. Bà tru tréo lên. Xung quanh đám đông xì xào bàn tán.

Lan ẵm ngửa đứa con trai, đi một mạch lên gác. Hưng bước cà nhắc từ trong nhà tắm ra, nước phủ đầy mặt, hai mắt đỏ hoe. Từ sau cơn tai biến thập tử nhất sinh, anh trở về cuộc sống với một chân đi cà nhắc, một cánh tay bị liệt. Hưng nhìn mẹ thật lâu, muốn nói điều gì đó nhưng lưỡi líu lại, ấp a ấp úng. Cơn tai biến ác nghiệt, biến anh thành kẻ tàn phế cả cơ thể lẫn ngôn ngữ. Đôi người còn bảo nhìn mặt anh khờ khờ, họ nghi ngờ anh cũng có vấn đề về thần kinh. Họ bảo mạch máu ở não anh như cái ống nước, bể đi rồi, vá lại dễ gì không rò rỉ. Nói năng khó khăn nên dần dà anh ít nói. Chỉ những khi bức xúc, anh mới ú ớ ngọng nhịu vài tiếng trong cổ. “Mẹ…để…con…yên”.

Sau một hồi cà lăm, anh cũng buột miệng nói được một câu dài nhưng đứt nhiều quãng. Bà mẹ nhìn con, nửa thương xót, nửa bực bội. “Mày ngu lắm con ạ! Ai đời lại để cho vợ đứng hết tên nhà cửa. Nó mà bán nhà đi thì mày ra đường mà ở. Chỉ có nước…đi ăn xin biết chưa con?”

Bà mẹ chà đi xát lại từng câu. Bà cảnh báo một ngày nào đó, vợ anh sẽ bế đứa con nhỏ bỏ đi. Khi ấy, anh sẽ trở thành kẻ không nhà, không vợ con, không nghề ngỗng và chỉ có nước bán vé số, lượm bịch nilon hoặc sẽ đi ăn xin. Tim anh nhói lên, một cơn đau kéo dài lên tận đầu. Vết mổ chằng chịt quanh hộp sợ đã liền lại nhưng không hiểu sao lại bỗng chốc đau buốt. Anh ôm đầu, xua tay. “Mẹ về đi…về đi cho con nhờ”.  

Bà mẹ cầm tờ giấy ghi nợ, thất thểu đi ra ngõ. Bà vừa đi, vừa phân bua với những người hàng xóm xung quanh. Chờ khi mẹ chồng đi về, Lan mới ẵm con xuống nhà. Chị hằn học với chồng. Chị bảo số chị khổ. Lấy anh thiệt thòi đủ đường, không được mặc áo cô dâu, chẳng biết lễ rước dâu là gì.

Trước khi đám cưới một ngày, anh bị tai biến, mổ xong nằm liệt cả nửa năm. Hết vật lí trị liệu đến thuốc Tây, thuốc Bắc, anh mới chập chững đi lại được. Bạn bè, người thân bảo Lan khờ, yêu quá nên hóa ngu, chưa cưới hỏi mà lại đâm đầu vô lấy một thằng bệnh tật, ốm yếu. Đôi lần, ý nghĩ bỏ đi cứ lởn vởn trong đầu Lan. Nhưng thật tâm, Lan vẫn còn yêu anh. Những kỷ niệm thời hẹn hò như một sợi dây vô hình níu giữ chị ở lại bên anh. Ngày ấy, anh khỏe mạnh, lực lưỡng, vai u thịt bắp, người luôn tràn trề sinh lực. Lan tin sau này anh sẽ là cây tùng, cây bách che chở cuộc đời chị. Nhưng cuộc sống ai biết đâu chữ ngờ…

Nhìn cái bụng ngày một căng ra, Lan toan nghĩ đến việc đi phá thai. Không có con, chẳng có sợi dây nào ràng buộc chị với Hưng. Lan sẽ dứt áo ra đi nhẹ gánh hơn. Năm lần bảy lượt đi đến bệnh viện, Lan lại không đành lòng, quay về, nước mắt ngắn dài trước giường bệnh của Hưng. Lan đã có thai với anh trước khi cưới. Lan không nhẫn tâm bỏ con. Nhưng chẳng lẽ lại để con sinh ra đời không có cha. Phóng lao phải theo lao, Lan về làm vợ anh, chấp nhận không đám cưới, đám xin.

Những khi mẹ chồng gây khó dễ, bao bực dọc trong người, Lan trút hết lên đầu chồng. Mà ngoài Hưng ra còn có ai để mà trút bực. Mỗi lần nghe vợ kể ra rả, trách cứ anh nhu nhược, Hưng lại ngồi thu lu trong góc phòng. Anh chặc lưỡi, bỗng thấy thèm thuốc lá. Phải chi có điếu thuốc đốt cho đỡ thèm. Từ ngày phát bệnh tai biến, bác sĩ dặn Hưng bỏ thuốc lá, rượu bia nên mỗi khi buồn, anh chẳng biết làm gì giải khuây ngoài việc ngồi thừ một chỗ, hít sâu và thở mạnh ra.

Ngày mới về sống với Hưng, Lan cũng thấy cuộc sống không đến nỗi chật vật. Anh chị vẫn có những phút giây thảnh thơi, sáng dạo công viên, chiều lang thang cà phê. Nhưng từ khi sinh thằng con ra, biết bao khoản chi phí bủa vây, xâu xé lấy chị, nào tã, nào sữa, thuốc men cho chồng…. Những lần nhìn chồng tập tễnh đi ra, đi vào, Lan sốt ruột. Một con gà bới, ba con gà mổ, Lan gần như kiệt sức. Trong cái khó ló cái liều, cả cái tham cũng có dịp chen vào. Lan nghĩ chẳng ngu dại gì. Chị phải đòi lại công bằng cho con trai mình. Mẹ chồng chị vốn là người xem tiền quý hơn mạng sống của mình.

Khi vừa nghe tin mẹ chồng bán căn nhà 2 tỉ, Lan mới xuống giọng năn nỉ ỉ ôi. Mới đầu, chị nói thật: “Mẹ cho vợ chồng con mượn tiền, mua căn nhà cấp 4 thôi. Con sẽ cố làm trả tiền cho mẹ…”. Nghe con dâu bảo đóng thêm khoản tiền lời lãi, bà mẹ chồng hám tài cũng sướng tai. Bà bảo bà thương con dâu thiệt thòi, chỉ lấy lãi như ngân hàng. Chẳng biết giở chiêu trò gì mà cuối cùng, Lan “moi” được của bà cả nửa tỉ bạc. Lan cam kết viết giấy nợ, ký tên, đóng giấu để mẹ chồng yên tâm mà cho mượn tiền. Nhưng chị chỉ trả gốc gác, lời lãi vài tháng đầu còn đến giờ thì quỵt hẳn.

Cả tuần nay, bà mẹ chồng cứ chạy tới, chạy lui nhà vợ chồng Lan, luôn miệng, luôn tay với tờ giấy ghi nợ. “Bà muốn lấy tiền à? Được. Tôi sẽ trả hết tiền cho bà. Nhưng bà phải rước con trai về mà nuôi. Cả đứa cháu này nữa. Giải phóng cho tôi đi. Khổ quá rồi…”. Lan gằn giọng, nhả một mớ từ cay nghiệt vào mặt mẹ chồng. Vừa nghe đến chuyện đón người con trai tàn tật về nuôi, thêm đứa cháu mới biết bò lổm ngổm, mặt bà mẹ chồng tái đi. Bà không nói thêm lời nào, cụp nón, đi thẳng một mạch ra ngõ.

Hưng đứng bên trong nhà tắm, khoát nước lên mặt liên tục. Mỗi lần mẹ và vợ trò chuyện, anh lại vào nhà tắm vặn van nước lớn hết cỡ và khoát nước tứ tung khắp mặt mày. Nước nhỏ tong tong, ướt cả mảng áo trước ngực anh.

“Thấy mẹ con cao tay không? Chỉ cần một chiêu thôi là bà nội con không dám sang đòi tiền nữa”. Lan vừa nói, vừa cười. Chị đặt thằng con lên chân, đu đưa, hát xì xằng. “Xích đu tiên…không có tiền lấy vợ. Xích đu bầu…ở đợ nuôi con”.

Hưng ngồi lặng lẽ trước nhà, hai tay liên tục chùi mặt giống như thói quen anh vẫn làm mỗi khi vào nhà tắm khoát nước rửa mặt. Những vết sẹo trên đầu lại đau buốt như những ngày đầu, anh mới trải qua ca phẫu thuật. Anh đi ra, đi vào, ôm đầu đau nhức. Lan dừng ru con, nhìn chồng, lo lắng hỏi. “Anh sao vậy?”. Hưng lắc đầu, xua tay ra vẻ không sao.

Hưng vừa bước ra cửa, Lan nhìn chồng từ đầu đến chân bằng ánh mắt tò mò.

-Anh đi đâu vậy?

Hưng ấp úng, trả lời trống không.  

-Mua thuốc lá…

Lan quát lên.

-Anh muốn chết hay sao mà đi hút thuốc lá?

-Ừ! Chết…cho…em khỏe.

Hưng lắp bắp.

-Này, anh vừa phải cho người khác sống với. Hết mẹ đến con muốn khủng bố tinh thần, hành hạ để tôi chết mấy người mới vui à?

Lan nói một hơi. Cơn giận bốc lên tận mặt. Lan chẳng nghĩ được gì ngoài những lời nanh nọc, xỉa xói vào mặt chồng. Hưng cúi mặt, đi cà nhắc ra cửa. Nước mắt Hưng đổ dài khắp mặt. Mỗi lần giận vợ, cánh tay bị liệt của anh lại cong quéo lên, co quắp lại. Chỉ cần nhìn tay, Lan cũng biết được chồng đang giận. Chồng đi khuất dần, Lan bỗng thấy hối hận. Lẽ ra chị không nên nặng lời với Hưng. Từ một người đang khỏe mạnh, kiếm tiền giỏi, nhoáng cái trở thành người tàn phế, phải sống nhờ vào vợ, Hưng đã khổ sở biết bao. Tại sao Lan không hiểu và thông cảm cho chồng.

Mâm cơm chiều dọn ra tươm tất. Lan hết đi ra lại đi vào, sốt ruột khi thấy đồng hồ điểm 6 giờ tối nhưng chồng vẫn chưa về. Thường ngày, giận vợ, Hưng hay lang thang ngoài tiệm máy tính cũ, ngắm nghía những cái CPU tháo rời cho đỡ nhớ nghề.

-Mày nghe tin gì không Lan?

Bà Tám chuyên buôn dưa lê bán dưa bở, kế bên nhà Lan lên tiếng hỏi.

-Chuyện gì vậy cô?

Lan hỏi lại bâng quơ. Chị chẳng mấy để tâm đến câu chuyện của những bà  ăn không ngồi rồi.

-Nghe đâu con trai bà Hai thua đề đổ nợ, mất nhà. Vợ nó chửi quá trời, nó buồn đi nhảy cầu tự tử đó. Thiệt đàn bà gì mà ác miệng ghê. Mạng người là quan trọng chứ tiền bạc là nghĩa lý gì?

Bà Tám nói giọng trách cứ. Mặt Lan nóng ran ran, trong người bồn chồn không yên. Lan nghĩ đến những lời nặng nhẹ, chị nhiếc mắng chồng. Nhớ đến gương mặt nhăn nhúm và đôi mắt đỏ hoe của Hưng. Gần đây, cơm áo gạo tiền và cả khoản tiền nợ với mẹ chồng khiến chị luôn cáu bẳn, bực dọc. Chị cứ xem chồng như là cái cớ đẩy cuộc đời chị đến bể khổ nên hằn học, luôn mặt nặng, mày nhẹ với anh.

Lan vội cặp nách cậu con trai, đi như chạy ra đầu hẻm. Vừa thấy chồng đi thất thểu từ xa, cái tay bị liệt khẽ đung đưa, Lan ứa nước mắt. Chị đi nhanh lại, nắm chặt tay anh, hỏi mếu máo.  

-Anh làm gì mà giờ này mới về?

Hưng không nhìn vợ, cúi mặt, trả lời lí nhí.

-Anh…đi…dạo.

Lan xiết bàn tay chồng thật chặt. Cậu con trai nghịch ngợm, bám lấy vai áo Hưng, cười khúc khích. Hưng nhìn hai cái răng trước của con rồi quay sang nhìn ánh mắt dịu dàng của vợ, anh cố chớp mắt, ngăn không cho nước mắt chảy ra. Mới cách đây một tiếng đồng hồ, anh đã đứng lặng lẽ trên lan can cầu, nhìn xuống dòng sông sâu hoắm, đen ngòm và trong đầu đầy những hình ảnh chết chóc. Nhưng anh đã không dũng cảm gieo mình xuống sông. Anh nhớ đến hai chiếc răng sữa của con trai, nhớ cả cái gương mặt đăm đăm ngồi đếm tiền lẻ của Lan mỗi khi gánh chè ế ẩm. Anh không dám tưởng tượng nếu anh nhắm mắt lại và thả mình xuống dòng sông thì giờ này, mẹ con Lan sẽ ra sao? Hưng khẽ nắm lấy tay vợ. Cả hai vợ chồng cùng nhìn nhau, trong đáy mắt nghẹn lời.

Nguyễn Nga

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ