Banner

Tai nghe mắt thấy chưa chắc là sự thật-Chuyện cuộc sống: Gã keo kiệt

by VietLachVn

Trong cuộc sống có vô số lần bạn tai nghe mắt thấy những biểu hiện tính xấu của ai đó. Có khi là người yêu, bạn bè, đồng nghiệp, người thân…Nhưng liệu có bao giờ bạn nghĩ những gì mình tận mắt thấy chưa hẳn là sự thật. Để khi bạn hiểu rõ về con người họ thì mọi thứ đã muộn màng…

Dân trọ ở đây khá phức tạp, người tứ phương đổ về, có khi trong cùng một phòng mà nghe giọng nói ba bốn miền, chõi nhau chan chát.  Ở trên gác cao, bà chủ nhồi nhét gần chục người. Tất cả đều đàn ông, những buổi trưa chủ nhật, trời nóng hầm hập, từng ấy con người nhẫy nhụa mồ hôi. Ban ngày người đi làm, kẻ đi học chẳng mấy khi có dịp chuyện trò, vì vậy buổi tối chính là thời điểm thích hợp nhất để họ “trà dư tửu hậu”. Trong phòng đó, Khiết luôn là đề tài để lũ bạn ở chung châm chọc.

Người Khiết dài nghều nghễu, da đen nhẻm, tóc dài chấm gáy, không ra vẻ lãng tử mà nó lù xù như đống rơm gà bới. Nhưng tất cả những đặc điểm đó chưa hẳn là nguyên nhân của những câu chuyện. Gã được cả phòng gọi là “kiết” thay cho cái tên cúng cơm Khiết. Gã bị mọi người cô lập hoàn toàn. Gã ăn một mình, ngủ cũng một mình và đi làm cũng một mình. Thi thoảng mọi người xung quanh mới thấy môi gã mấp máy, cổ họng rò rè những âm thanh choi chói đến khó chịu.

Gã  tên Khiết nhưng mọi người luôn gọi là
Gã tên Khiết nhưng mọi người luôn gọi là “Kiết” để ám chỉ tính keo kiệt

Sáng nào người ta cũng thấy gã dậy sớm, lúi húi chợ búa, cơm nước. Gã chẳng bao giờ ra tiệm ăn. Bữa cơm chẳng có gì ngoài bát “canh đại dưong” lỏng bỏng, vài con cá khô không khốc, mốc meo. Gã hà tiện từng li từng tí, từ cái ăn cho dến chỗ ở. Ban đêm trong phòng trọ nóng bừng bừng, hai cái quạt quay phà phà mà ai nấy ướt sũng mồ hôi. Gã thu hẹp người vào một góc phòng, tránh luồng gió từ chiếc quạt. Gã làm vậy đơn giản chỉ bởi một lí do: đỡ khoản tiền điện. Trong phòng mỗi lần chia chác tiền điện, gã luôn là người ít nhất. Và chẳng ai bắt bẻ được.

Nhìn những chiếc móc phơi và đám quần áo của gã còn thảm hại hơn. Chúng không sạm màu, gãy nham nhở thì cũng cong vòng vèo. Gã cẩn thận cột, nối, dán từng khúc, cố sao cho quần áo treo tòng teng được ở trên đó.

Dạo gần đây, Khiết trông càng thê thảm hơn. Người gã lòng khòng như được chắp nối lại từ những nhánh cây khô khẳng khiu. Lương công nhân kỹ thuật của gã không đến nỗi nào, vậy mà gã vẫn sống rất kham khổ. Họ bảo gã keo kiết, giữ tiền khư khư khi chết có mang theo được đâu. Gã có vẻ dửng dưng với mọi lời nói bóng gió, mỉa mai.      

Chiều nay, gã ngồi thẫn thờ trên lan can sân thượng, bộ mặt ủ ê như nồi cháo khê. Thi thoảng có cơn gió vội vã tạt qua gã rồi vèo đi mất, bỏ lại khuôn mặt gồ ghề xương, chằng chịt gân xanh những sợi tóc rũ rượi. Đám thanh niên cùng phòng, ngồi nhậu lai rai ngay đó, cười nói lao xao.

Bỗng một tên trong đám nhậu gần đó, lấy giọng ngâm nghê câu thơ chế đầy ác ý: “Sống trên đời không ăn miếng thịt chó, chết xuống rồi không có mà ăn”. Thằng gần bên lại bồi thêm: “Ai mua kẹo keo, có ai mua kẹo keo, dừng chân ghé quán em đây…”. Cả bọn hùa theo, cười sằng sặc, nước mũi, nước dãi tứa cả ra. Gã biết lũ người này đang ám chỉ mình. Gã lủi thủi đi xuống phòng, mặt gã đượm đỏ như mũi khoan vừa nung trong lửa cháy phừng phực.

 Hôm sau mới sáng sớm, người ta đã nghe tiếng bà chủ nhà chửi léo nhéo, tiếng đồ đạc rớt bồm bộp dưới chân cầu thang. Một quang cảnh bừa bộn bày ra trước mắt mọi người: đám quần áo nhàu nhò, vãi tung tóe, mớ móc áo “tàn tật” bày binh bố trận khắp đường đi. Bà chủ trọ, béo phục phịch, đứng trên gác chống nạnh, hai hàm răng đan vào nhau chặt cứng. Vừa nghe thấy tiếng bước chân loẹt soẹt của Khiết, bà rống lên:

-Cút khỏi nhà tao ngay. Cả hai tháng trời mày không đóng một cắc nào. Thử hỏi đây xem, có ai như mày không? Tao cho thuê phòng trọ chứ đâu phải làm từ thiện…

Gã luôn bị mọi người xung quanh khinh khi và dè bỉu
Gã luôn bị mọi người xung quanh khinh khi và dè bỉu

Gã nín thinh, mím chặt hai môi, lom khom lượm lại đồ đạc. Gã vo quần áo thành từng cục, cuộn tròn vào chiếc ba lô bạc phếch, rách nham nhở. Mọi người trong dãy trọ hôm ấy đều đổ xô ra cửa, nhòm gã lom lom như một động vật lạ. Lúc này, trước mắt gã, mọi thứ sắp nhòa đi, hai tai ù đặc, gã chẳng còn nghe được thứ gì rõ ràng nữa. Một sức mạnh vô hình nào đó đang ghì đôi vai khắc khổ của gã rạp xuống thấp. Gã cố nhướn người thẳng lên, ưỡn vòng ngực lép kẹp trong sự gượng gạo. Gã bước đi liêu xiêu, rúm ró như kẻ mang trọng tội. Gã ước gì gã có thể trở nên vô hình để gần trăm con mắt kia thôi không nhìn xâm xoi và hàng chục cái miệng kia thôi không ra rả bàn tán.

Cái hoàn cảnh bi đát của kẻ sống nội tâm như gã bị lột trần đau đớn trước mắt mọi người. Gã nhục, buồn tủi, xấu hổ và cả căm giận. Tất cả mớ cảm xúc hỗn độn ấy chèn ép lồng ngực gã, rút cạn ôxi trong phổi gã. Gã tưởng như gã sẽ ngã gục ở một góc đường nào đó trong tâm trạng chán nản và buồn thảm đến tận cùng. Nhưng không. Gã vẫn đi. Đi thẳng vào giữa dòng người đang nhộn nhạo cả lên.

Trưa Sài Gòn, nắng, khói xe, tiếng ồn, lồng lộn vào nhau thành từng sợi dài dằng dặc, nhét vào tai mỗi người đi đường một ít bực bội, cáu gắt. Trong bến, chiếc xe đò lăn bánh sớm, kéo theo con người khốn khổ, luôn tự thu hẹp mình trong một khoảng không chật hẹp của sự mặc cảm, tự ti.

Ngôi nhà lá xác xơ ở quê từ từ hiện ra, đầu gã đã ong ong, những suy nghĩ mung lung nhanh chóng vỡ vụn ra thành trăm mảnh. Và trong tận cùng của cay cực, cái dáng mỏng tanh, xanh xám của người cha bệnh tật đang lăn lộn trong cơn ho rũ riệt. Cảnh quay vừa dừng lại ở đó rồi ngay lập tức lại mở ra trước mắt gã những con suối gập ghềnh, mấp mô ổ gà, ổ voi và loi nhoi đầy những chiếc gai nhọn. Người mẹ hì hục vác từng bao cỏ nặng trình trịch, mồ hôi nhòe nhoẹt khắp mặt. Những bữa ăn thiếu chất cộng với công việc nặng nhọc đã hút dần sức lực của bà. Nước mắt gã ứa ra, lăn dài xuống cánh mũi. Gã lấy vội chiếc khẩu trang đeo vào. Tự nhiên gã thấy sợ những cái nhìn chung quanh, họ thương cảm thì ít mà tọc mạch, xoi mói thì nhiều.

Gã bị đuổi khỏi phòng trọ, ai nấy đều vui mừng ra mặt
Gã bị đuổi khỏi phòng trọ, ai nấy đều vui mừng ra mặt

 Gã “kiết” đi được vài ngày, cả phòng trọ làm buổi tiệc liên hoan coi như đã tống khứ được kẻ “xấu tính, dị hợm” ra khỏi tập thể. Đôi khi người ta chỉ chấp nhận những cái gì đó chung chung, ná ná nhau và ghét sự khác biệt, kể cả tính cách con người cũng không ngoại lệ. Cả bọn nâng li, cười nói khề khà, câu chuyện của họ vẫn xoay quanh chủ đề Khiết nhưng có phần chuyển sang hướng hài hước chứ không kịch liệt và gay gắt như trước.

Buổi chiều chủ nhật đã trôi đi, qua những li bia phập phồng bọt trắng. Khi cả phòng thức dậy đi làm, một tên trong nhóm vẫn còn ngủ say sưa mặc cho đồng bọn đấm đá huỳnh huỵch. Chỉ đến khi làn hơi bia cuối cùng bốc khỏi người, hắn mời lồm cồm ngồi dậy. Hắn ngáp dài mệt mỏi, giữ thói quen cũ, hắn tìm gói thuốc lá. Lục tung đống chăn mền bùng nhùng, đống quần áo cáu bẩn và mớ đồ đạc linh tinh, hắn vẫn không thấy gói thuốc lá đâu cả. Cau có, hắn kéo tuột chiếc ba lô cũ mèm quăng vào một góc phòng cho hả cơn giận. Một cuốn sổ nhỏ xinh xắn được bao bọc kỹ càng, sạch sẽ, đập vào mắt hắn sự tò mò.

Mở đầu cuốn sổ là dòng chữ ngay ngắn, tròn trịa “những ngày buồn”. Cứ thế hắn cắm cúi đọc mải miết cho đến trang cuối cùng. Cuốn sổ không đơn thuần là những lời độc thoại nội tâm, nó như một câu chuyện buồn. Hắn không thể tưởng tượng được gã keo kiệt lại có hoàn cảnh khốn khổ đến vậy. Nhưng có bao giờ hắn nghe gã than phiền hay kể lể dù chỉ là nửa câu đâu? Mà cũng có bao giờ cả phòng này lắng nghe gã nói đâu. Khi mọi người đã có sẵn ác cảm, gã chưa kịp mở lời, ai nấy đều quay đi.

Hắn nhớ lại có bữa nào đó lâu rồi, gã bị bệnh nằm liệt một chỗ, gã rên hù hụ, thở khò khè nhưng chẳng thằng nào trong phòng hỏi han lấy một câu. Bà chủ nhà sợ gã chết thì xúi quẩy nên giục đám thanh niên lực lưỡng rinh gã vào trạm  tế gần đó. Rồi hình như là trước hôm gã bị đuổi thì phải, gã cứ chàng ràng trước mặt hắn. Gã bẻ các ngón tay kêu rôm rốp, miệng lắp bắp câu gì đó…Hay gã muốn mượn tiền?

Hắn nằm miên man suy nghĩ và nhớ lại mọi thứ. Hắn tưởng tưởng đến cảnh ép xác chịu đựng đói khổ và câm lặng chịu sự ghẻ lạnh từ mọi người của Khiết, chỉ vì sự bệnh tật, nghèo khó của cha mẹ, chỉ vì bản thân sống khép kín trong mặc cảm. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh”, có người sống cởi mở, có người lại sống khép nép. “Có lẽ gã không xấu mà tại vì ta không hợp”. Hắn  nghĩ thầm như vậy. Bất giác hắn thấy lòng buồn tênh. “Ừa! Không xấu. Phải chi ta nghĩ được sớm như vậy”. Hắn thở dài ngao ngán. Tự nhiên hắn thấy nhớ cái dáng gù gù của “gã keo kiết” đến lạ.

                                                                                             Nguyễn Nga

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ