Banner

Chuyện người cha nghiện rượu bỏ mặc các con đói khát

by VietLachVn

Những đứa trẻ đói khát, chờ đợi người cha nát rượu trở về để được một bữa cơm với thịt. Cuối cùng lại nhận được một cái kết rất…thảm.

Vài dòng giới thiệu về cuốn sách

Khi viết cuốn sách “Một đứa trẻ vừa chạy trốn khỏi tôi”. Đây là câu chuyện, tôi lấy cột mốc thời gian xảy ra là thập niên 90, ở một vùng quê xa xôi, hẻo lánh.

Về tiểu sử cuốn sách này cũng khá nhiều thăng trầm. Năm 2013, tôi hoàn thành bản thảo sách với gần 200 trang. Tôi dành gần nửa năm để tự chỉnh sửa và biên tập lại bản thảo. Hiện tại, cuốn sách đã rút ngắn còn khoảng 130 trang.

Tôi gởi bản thảo truyện đến khá nhiều Nhà xuất bản. Một số NXB viết email từ chối. Một số NXB thì im lặng. Nhưng trong đó có email của một chị Biên tập đã nhận xét khá thẳng thắn. Nội dung Email chỉ ngắn gọn: “Một câu chuyện vô lí. Đọc mà thấy như nạn đói năm 45. Thật không sao tin nổi….”.

Bản thân tôi khi đọc được một câu chuyện mà mình chưa bao giờ chứng kiến hay nghe thấy đâu đó trong thực tế, thi thoảng cũng có suy nghĩ như chị. Vì sự hạn chế của tập quán vùng miền, của thời gian, không gian và đôi khi cả tầm nhìn của bản thân…. Nhưng theo thời gian và sự trải nghiệm, tôi nhận ra rằng…trên đời mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhất là khi viết văn, bạn có quyền hư cấu, tưởng tượng, tô vẽ…Bạn có quyền làm mọi thứ không thực trở thành có thực. Đơn giản đó là sự sáng tạo.

Vấn đề quan trọng là bạn phải thuyết phục được bạn đọc tin vào điều bạn viết là có thật. Bước đầu tôi đã thất bại khi không chinh phục được niềm tin của chị biên tập ấy. Đã rất nhiều lần, tôi mở bản thảo ra đọc và sửa lại. Tôi mong câu chuyện ấy sẽ ngày một hoàn thiện tốt hơn. Và tôi cũng luôn ấp ủ hi vọng…ngoài kia còn nhiều độc giả tin vào câu chuyện tôi viết ra?

Trích đoạn chương 4

-Ngố ơi! Lên bố bảo.

Bố gọi tôi. Khi bố chưa uống rượu, tôi luôn ngoan ngoãn nghe lời. Tôi là tay sai vặt đắc lực của bố. Bất cứ việc gì bố nhờ, tôi đều làm, nhất là việc đi mua rượu và thuốc lá. Tôi làm chăm chỉ để bố hài lòng. Trong đầu óc ngây thơ của một đứa trẻ, tôi luôn nghĩ việc tôi ngoan sẽ làm bố vui vẻ mà bỏ rượu.

-Nay con muốn ăn gì? Ăn thịt heo không?

Bố hỏi tôi bằng chất giọng trầm trầm. Tôi tròn xoe mắt. Câu hỏi của bố làm tôi ngờ ngợ. Như sợ tôi chưa nghe rõ, bố nhắc lại một lần nữa.

-Có ăn thịt heo không? Bố mua cho.

Chẳng mấy khi bố nói ngọt với tôi. Lẽ ra câu nói ấy phải làm tôi vui mới phải đằng này ngược lại, tôi thấy buồn tênh. Tôi sợ phải rơi từ trời xuống đất. Sáng nghe bố gọi nhỏ nhẹ và chiều lại ăn đòn của bố. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy khó chịu. Nhưng phải thú thật, câu hỏi của bố làm tôi cảm động.

Một đứa trẻ luôn thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, sự lạnh nhạt của cha và hờ hững của anh chị lại có cảm xúc rất mãnh liệt với một câu hỏi đơn giản:  “Hôm nay con muốn ăn gì?”. Đó là câu nói mà tôi nhớ lâu nhất trong khoảng thời gian sống với bố.

“Thịt heo. Con muốn ăn thịt heo”. Tôi nghĩ thầm. Định miệng sẽ reo lên nhưng nỗi sợ bố làm tôi không dám lên tiếng. Bố nhìn tôi, khích lệ. Tôi lấy hết can đảm, lí nhí.

-Dạ…thịt heo.

Tôi vẫn không quên quan sát sắc mặt bố. Hai bên râu mép của bố rung rung, bật ra tiếng cười sảng khoái.

-Nay bố sẽ làm món thịt heo kho giả cầy cho con ăn.

Tôi khẽ gật đầu, mắt long lanh. Nói về nấu ăn, bố không bao giờ vào bếp nhưng ông có món thịt heo kho giả cầy ngon nhức mũi. Khi bố tôi tỉnh rượu, bố cũng hay dạy chúng tôi cách ăn nói sao cho phải phép. Có khi tôi vừa nghe ông nói “phải cố học để lấy cần câu cơm”, “người không học như ngọc không mài”. Vậy mà chỉ độ năm phút sau uống rượu vào, bố đã quay sang chửi rủa chị em tôi bằng những từ ngữ tục tĩu nhất. 

Bố vừa đi khỏi. Chị Heo chạy xộc lại, tò mò hỏi.

-Bố nói gì với mày vậy?

-Bố nói sẽ mua thịt heo về kho giả cầy cho em ăn.

Tôi đáp, giọng pha chút tự hào.

-Thật không?

Chị Heo nhìn tôi vẻ hồ nghi. Nhưng trong ánh mắt chị, rõ ràng là đang háo hức. Tôi gật đầu và khẳng định thêm một lần nữa. Chị Heo nhảy tưng tưng, suýt vấp phải cạnh giường.

-Thịt heo..thịt heo mày ơi!

Anh Ốc nhìn chị Heo bằng ánh mắt khinh khỉnh. Tuy anh Ốc rất ham ăn nhưng hễ mỗi lần nhắc đến đồ ăn, anh lại làm ra vẻ thờ ơ.

Tin bố tôi mua thịt heo làm anh em tôi ngồi xếp hàng dài ở cửa chờ đợi. Mỗi lần nghe tiếng chó sủa, khác với mọi ngày, chúng tôi không bỏ chạy mà hóng mặt ra ngõ. Đến quá nửa trưa, chừng như đứa nào, đứa nấy đã đói rệu rã, mặt mày xám ngoét thì bố về.

Khác với những gì chúng tôi chờ đợi, bố không xách theo bịch thịt heo nào. Bố đi nghiêng ngả như người say sóng. Chỉ cần nhìn dáng điệu xàng xê của bố, tôi biết ông vừa mới uống rượu. Nhưng chúng tôi vẫn không thôi hi vọng. Ai cũng mong bố sẽ nói ông bỏ quên hay làm rớt bịch thịt heo ở đâu đó. Rồi ông nhắc chúng tôi đi lấy về. Nhất định khi ấy anh em chúng tôi sẽ xô nhau mà chạy. Ai cũng muốn giành việc mang bịch thịt về trước tiên.

-Bố…Bố có mua thịt heo không?

Giọng chị Heo run rẩy. Nếu không phải khoản ăn uống, chắc chị Heo chẳng dũng cảm hỏi lại bố đâu.

-Đồ khốn nạn. Muốn ăn ngon hả? Lên thành phố, con mẹ mày cho ăn.

Bố chửi xối xả vào mặt chúng tôi. Mỗi từ, mỗi câu của bố luôn đính kèm mẹ tôi vào. Tôi không thích nghe bố chửi mẹ nhưng ở tuổi ấy, tôi không dám phản kháng. Chỉ đứng im chịu trận.

Ba anh em chúng tôi đứng khép nép bên cửa, ai nấy đều im bặt. Tôi đã thôi nghĩ đến nồi thịt heo kho giả cầy bay hơi ngun ngút. Giờ tôi chỉ nghĩ đến dĩa rau muống luộc đang nằm trơ trên bếp.

“Xoảng…xoảng…xoảng”. Tiếng chén bát, soong chảo va vào nhau dòn dã. Bốn anh em chúng tôi xô nhau chạy ào ra khỏi cửa, nhanh như tên bắn. Tiếng Út khờ khóc thét lên trong nhà. 

CẢM ƠN BẠN ĐÃ ĐỌC
Nếu bạn thích bài này hãy chia sẻ:

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bình Luận

XIN CHÀO! TÔI LÀ NGUYỄN NGA

Tôi viết thuận cả hai tay. Với tay phải, tôi yêu thích viết những câu chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình. Còn tay trái, tôi đều đặn viết bài Pr, tiếp thị, quảng cáo. Gọi tôi là nhà văn tiếp thị cũng không sai.

Muốn đọc truyện, hãy tìm tôi. Muốn tìm lại cảm hứng viết lách, hay kinh nghiệm viết, hãy thường xuyên ghé thăm Vietlachvn.com của tôi nhé!

Thông Tin Liên Hệ