Quá trình đô thị hóa đã biến những đứa trẻ có cha mẹ thành “mồ côi” bất đắc dĩ. Hãy cùng đọc tâm sự rớt nước mắt của một đứa trẻ sớm phải sống xa cha mẹ.
(Trích đoạn chương 3 trong truyện MỘT ĐỨA TRẺ VỪA CHẠY TRỐN KHỎI TÔI- Nỗi buồn của Đen khi cha lên thành phố làm phụ hồ để lại nỗi ám ảnh tuổi thơ)
Cái dáng khum khum của mẹ thằng Đen làm tôi nhớ đến cái lưng tôm của bố nó. Ngày ấy, nếu hai vụ bắp liên tiếp không mất mùa, bố nó đã không bỏ quê lên thành phố làm phụ hồ. Ông đã không ngã giàn giáo chết thảm. Thằng Đen đã không phải mồ côi.
Còn nhớ thời gian bố nó không có nhà, ngày nào thằng Đen cũng lấy cục than gạch lên tấm ván thưng để đo chiều cao của mình. Tôi cười châm chọc.
-Mày là đồ nấm lùn. Mày đo cũng chẳng cao lên được đâu!
Nó nổi cáu.
-Tao không muốn cao lên. Tao chỉ muốn lùn đi.
Tôi ngơ ngác chẳng hiểu nổi ý nó. Chẳng ai thích mình là cây nấm lùn.
-Đứa nào cũng thích cao thật nhanh để làm người lớn. Làm người lớn sướng lắm, không ai bắt nạt được. Mày không thích làm người lớn sao?
Tôi dò hỏi. Thằng Đen im lặng chốc lát, gương mặt nó phảng phất nỗi buồn. Nó nói giọng chùng như dây thun quần giãn hết cỡ.
-Mày nhìn chị Hương, chị Huyền, anh Tâm con nhà bà Sương đi. Hồi nhỏ họ ở với mẹ. Nhưng giờ lớn, ai cũng lên thành phố. Bà Sương phải ở một mình. Nếu tao nhanh cao. Tao sẽ thành người lớn. Khi ấy, tao sẽ lên thành phố làm. Bố tao về. Tao không được ở với bố nữa!
Đen quay vội mặt đi như sợ mình sẽ khóc. Thì ra nó mãi muốn làm một đứa trẻ để được ở mãi bên bố mẹ. Nhớ lại chuyện của Đen. Lòng tôi chạnh buồn khi nghĩ đến mẹ. Một ngày nào đó mẹ tôi về quê, không biết tôi đã kịp lớn lên chưa? Tôi có còn được quẩn quanh bên chân mẹ nữa hay không?
Chờ khi bà Đẹn đi khuất hẳn, tôi mới len lén vào nhà. Trời đất! Tôi không còn nhìn ra thằng Đen nữa. Mặt nó như mặt con mèo hen. Thấy tôi, nó mắc cỡ, vội đưa tay chùi nước mắt. Trong khi thằng Đen cứ cúi gầm mặt, trốn tránh ánh mắt của tôi.